Để thế giới hiểu Việt Nam hơn

30/04/2024 06:09 GMT+7

Từ lĩnh vực nhân văn, giáo dục đến môi trường, các trí thức VN ở nước ngoài không chỉ tạo dựng được tên tuổi mà còn góp phần đưa VN ra thế giới thông qua các công trình, nghiên cứu của mình.

GIÚP HIỂU ĐÚNG, ĐẦY ĐỦ VỀ VN

Thạc sĩ Phạm Hồ Uyên Linh, 24 tuổi, sẽ trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành văn học so sánh tại ĐH Harvard (Mỹ) vào tháng 8, với hỗ trợ tài chính khoảng 450.000 USD (11,4 tỉ đồng) cho 6 năm và mức lương 50.000 USD/năm. Trước đó, Linh lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành văn học so sánh tại ĐH Dartmouth, bằng cử nhân song ngành văn học so sánh và ngôn ngữ văn học Trung Quốc tại ĐH Iowa, tất cả đều ở Mỹ.

Các trí thức VN giúp thế giới hiểu hơn về VN hiện đại thông qua các công trình, nghiên cứu của mình

Các trí thức VN giúp thế giới hiểu hơn về VN hiện đại thông qua các công trình, nghiên cứu của mình

NVCC

Ngoài ra, Uyên Linh còn theo học chương trình ngắn hạn tại ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) và ĐH Quốc lập Đài Loan (NTU) để trau dồi tiếng Trung. Trên hành trình học thuật từ cử nhân đến nay, nữ sinh luôn nhận học bổng từ một phần đến toàn phần của trường, chính phủ, đi cùng đó là các giải thưởng từ Hiệp hội văn học so sánh Mỹ (ACLA), Hiệp hội nghiên cứu châu Á (AAS) cho luận văn thạc sĩ về văn học dịch tại VN thời kỳ Pháp thuộc.

Uyên Linh chia sẻ, văn học so sánh là một lĩnh vực đa dạng, cho phép cô nghiên cứu nền văn học ở các quốc gia có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải tiếng Anh, trong đó có VN. Điều này đặc biệt quan trọng khi ở Mỹ, nhiều người có nhận định sai lệch hay không đầy đủ, toàn diện về VN nói chung, nền văn học VN nói riêng. "Họ nghĩ hiện tại ở nước ta chỉ có nền văn học thời chiến, của sự di dân", Linh nói.

Thạc sĩ Phạm Hồ Uyên Linh mong muốn cung cấp cho độc giả nước ngoài một bức tranh đầy đủ về nền văn học VN

Thạc sĩ Phạm Hồ Uyên Linh mong muốn cung cấp cho độc giả nước ngoài một bức tranh đầy đủ về nền văn học VN

NVCC

"Đó là lý do tôi luôn nghiên cứu về VN, từ đó tái hình dung hình ảnh của nước ta trong mắt người nước ngoài. Ngoài ra, cũng cần nhiều hơn nữa những học giả và nhà nghiên cứu khác viết về VN nhằm cung cấp thêm quan niệm, góc nhìn cá nhân, tạo thành những mảnh ghép riêng để làm nên một bức tranh đầy đủ về nền văn học nước nhà", cô gái 24 tuổi nhận định.

Nữ thạc sĩ cho biết thêm, lĩnh vực văn học so sánh đã trải qua 3 giai đoạn đáng chú ý. Thời điểm đầu, các nhà nghiên cứu tập trung vào "tam trụ" Đức, Pháp, Ý. Sau đó, khi Đông Á "trỗi dậy", mối quan tâm tập trung vào những "con rồng" Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Đến hiện tại, Đông Nam Á bắt đầu nhận được nhiều chú ý. Và đây cũng là thời cơ cho VN.

Bắt kịp xu hướng này, ở đề tài luận án tiến sĩ, Linh nghiên cứu về "Văn học dịch ở Đông Nam Á thời thực dân châu Âu/chủ nghĩa Liên Á của Nhật Bản", cùng câu hỏi nghiên cứu "có hay không nền "văn học Đông Dương" như một nền văn học xuyên quốc gia trước khi xây dựng nền văn học VN hiện đại?". Điều này giúp giải mã rõ hơn lịch sử văn học ở các nước Đông Dương và căn tính VN thời kỳ này, Uyên Linh chia sẻ.

ĐI TÌM "LỜI GIẢI" CHO VN

Hiện là trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu sinh thái (tiền thân là Viện Hàn lâm khoa học Hungary), anh Nguyễn Vũ Đức Thịnh, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành khoa học môi trường ở ĐH Eötvös Loránd (Hungary), dành mối quan tâm đặc biệt đến các vấn đề môi trường, nhất là ở những con sông lớn. Đây cũng là trọng tâm nghiên cứu của anh từ khi học tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đến nay.

"Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước ở các dòng sông lớn tại châu Âu và châu Á, trong đó có VN. Mục đích chính là áp dụng tại VN để hỗ trợ xây dựng các chính sách về môi trường sao cho có thể thích ứng với hoạt động của con người và tình hình biến đổi khí hậu", chàng trai 28 tuổi chia sẻ.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Vũ Đức Thịnh (trái) thực hiện các nghiên cứu có thể áp dụng tại VN để hỗ trợ xây dựng các chính sách về môi trường

Nghiên cứu sinh Nguyễn Vũ Đức Thịnh (trái) thực hiện các nghiên cứu có thể áp dụng tại VN để hỗ trợ xây dựng các chính sách về môi trường

NVCC

Cũng theo anh Thịnh, khi nghiên cứu các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, anh phát hiện nước ta chỉ chú trọng đến chất lượng nước ở các chỉ tiêu vật lý, hóa học, thiếu các chỉ tiêu sinh học như sinh vật phù du của sông vốn là điều các nước châu Âu rất quan tâm. Kết quả nghiên cứu, vì thế, cũng có thể ứng dụng tại VN khi đưa ra những khuyến nghị phù hợp trước tình trạng sông ngòi bị ô nhiễm nước thải sinh hoạt.

Không chỉ là nhà nghiên cứu, anh Thịnh còn là cán bộ Đoàn trưởng thành từ cơ sở. Kinh nghiệm hoạt động Đoàn gắn với công tác chuyên môn cùng năng lực nghiên cứu nổi bật khi công bố thành công hơn 10 bài báo khoa học giúp anh Thịnh trúng tuyển học bổng chính phủ Hungary năm 2024.

Mới đây nhất, anh Thịnh còn đại diện VN trở thành đại sứ tại Liên hiệp hội nghiên cứu sinh quốc gia Hungary 2024-2025, hỗ trợ kết nối và phát triển năng lực cho các nhà nghiên cứu trẻ. Anh cũng hỗ trợ Hội sinh viên VN tại Hungary trong công tác chuyên môn, như cố vấn mảng học thuật và nghiên cứu khoa học cho các sinh viên VN có mong muốn du học Hungary.

Sau khi hoàn thành đề tài tiến sĩ, anh Thịnh dự định trình bày kết quả nghiên cứu trước Ủy ban quốc tế bảo vệ sông Danube (ICPDR) để đưa ra các khuyến nghị phù hợp. Anh cũng hy vọng xin được dự án nghiên cứu về VN từ Cộng đồng châu Âu, như từng được Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tài trợ khoảng 450 triệu đồng để đánh giá tính tổn thương do biến đổi khí hậu tại vùng rừng tràm Trà Sư (An Giang).

LAN TỎA VIỆC HỌC TIẾNG VIỆT

Là chuyên gia Anh ngữ của Bộ Ngoại giao Mỹ, tiến sĩ Phùng Thùy Linh, 43 tuổi, sáng lập viên Eduling International, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Shorelight Education, tham gia tích cực trong việc xuất bản sách ngay tại thị trường Mỹ từ những năm 2017. Sau đó, chị Linh tập trung hơn vào việc xuất bản sách song ngữ Việt - Anh với mục tiêu phát triển việc học tiếng Việt dựa trên tác vụ cho các gia đình bản xứ và gốc Việt tại Mỹ.

"Dù có đông người Việt, song thị trường sách tại Mỹ lại rất hiếm sách tiếng Việt, khiến tôi không thể tìm được sách dạy tiếng Việt phù hợp cho con. Tôi cũng không muốn con dành quá nhiều thời gian học tập trên các thiết bị điện tử, đặc biệt khi con còn nhỏ tuổi. Đó là động lực thôi thúc tôi trở thành một tác giả sách, hỗ trợ những bậc phụ huynh khác cũng đang gặp khó như mình. Làm vì đam mê là chính", chị Linh bộc bạch.

Hiện chị Linh đã xuất bản 3 quyển sách song ngữ là Four seasons together (Bốn mùa cùng nhau), Tug of words (Trò chơi kéo co ngôn ngữ), Vietnamese learning games (Học tiếng Việt qua trò chơi ngôn ngữ). Cả ba đều nhận nhiều đánh giá tích cực, riêng quyển Tug of words hiện đã bán được hàng trăm bản tại Mỹ và Canada. Bên cạnh đó, độc giả mua sách còn được truy cập miễn phí ứng dụng học tập do nữ tiến sĩ phát triển.

Ngoài ra, chị Linh còn có cơ hội phát hành quyển sách Translanguaging: Hallie's first words (Những tiếng nói đầu đời pha trộn của Hà Ly), được minh họa, in ấn và phát miễn phí cho hơn 1.000 gia đình tại Mỹ và các quốc gia khác nhờ Stories of Vietnam, một dự án phi lợi nhuận chuyên xuất bản truyện thiếu nhi song ngữ để duy trì ngôn ngữ và văn hóa VN cho các độc giả nhí.

Tiến sĩ Phùng Thùy Linh giúp lan tỏa học tiếng Việt ở nước ngoài

Tiến sĩ Phùng Thùy Linh giúp lan tỏa học tiếng Việt ở nước ngoài

NVCC

Tự xuất bản sách song ngữ Việt - Anh ở Mỹ, theo chị Linh, không có nhiều khó khăn. Các công ty tư nhân chỉ yêu cầu tác giả phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định, đặc biệt khi đối tượng là trẻ em. "Kỷ niệm đáng nhớ là khi đưa sách lên Amazon, nền tảng đã từ chối phát hành vì cho rằng tiếng Việt chưa được hỗ trợ. Thế là tôi phải viết lại bản thảo và trình bày rõ hơn về sự cần thiết của một quyển sách tiếng Việt", chị Linh nhớ lại.

Ngoài xuất bản sách song ngữ, chị Linh cũng có nhiều tác phẩm khác phục vụ việc dạy và học tiếng Anh, như Học bằng tiếng Anh: Chiến lược để thành công trong giáo dục ĐH, IELTS Speaking Part 2, hay mới đây nhất là 50 hoạt động nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Bên cạnh vai trò tác giả, tiến sĩ Linh từng trình bày trước hàng ngàn giáo viên tại các hội thảo khoa học, cũng như qua Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà xuất bản ĐH Oxford.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.