Để thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn

01/09/2017 10:39 GMT+7

SEA Games 29 đoàn thể thao Việt Nam đã giành tổng cộng 58 HCV, 50 HCB và 60 HCĐ, đứng thứ ba toàn đoàn, nhờ hơn Singapore 1 HCV.

Kết quả này phản ánh tương đối sát với chỉ tiêu đăng ký ban đầu của ngành TDTT, cho thấy các dự báo thành tích đưa ra trước đại hội đều có căn cứ chuẩn mực. Nhưng nhìn chung những gì đã thu hoạch được tại Malaysia vẫn chưa thể làm hài lòng người hâm mộ.
Có thể thấy các môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, được cân đo đong đếm bằng các chỉ số cụ thể và ít có sự can thiệp thô bạo của trọng tài, vẫn giữ vai trò chủ đạo và đã mang về đến 46/58 HCV, chiếm khoảng 80% tổng số HCV. Nhưng trong sự vượt lên này, chúng ta vẫn thấy độ chênh vì nếu điền kinh và bơi lội giành gần nửa tổng số HCV của cả đoàn thể thao VN thì các môn thể thao Olympic khác lại có dấu hiệu chững lại và thụt lùi.
Taekwondo chẳng hạn chỉ có 2 HCV, trong đó 1 chiếc là quyền nữ, còn lại đối kháng chúng ta đều thất bại, khác hẳn thời mà Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống, Nguyễn Thị Huyền Diệu hay Nguyễn Văn Hùng tung hoành trước đây. Bắn súng còn tệ hơn khi chỉ có 1 HCV, mất hút vai trò tiên phong trước đây. Judo, bắn cung cũng chỉ có 1 HCV.
Trưởng đoàn thể thao VN Trần Đức Phấn đã nói các môn Olympic phải được đầu tư toàn diện vì đó là bộ mặt sống còn của thể thao VN. Có nghĩa ngoài điền kinh, bơi lội vẫn phải tiếp tục đầu tư thì bắn súng, bắn cung, taekwondo, judo, cử tạ, đấu kiếm, xe đạp, thể dục dụng cụ, karatedo, các môn bóng... dứt khoát phải có sự quan tâm thấu đáo.

tin liên quan

'SEA Games 31 chỉ tổ chức những môn Asiad, Olympic'

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn cho biết nếu được quyết định các môn thể thao tổ chức tại SEA Games 31 tại Việt Nam, ông chỉ chọn những môn Asiad, Olympic.

Muốn vậy, ngay từ bây giờ ngành TDTT cần rà soát lại một cách tổng thể, chọn ra các tài năng trọng điểm để đưa đi tập huấn ở môi trường, điều kiện tập luyện, chế độ đãi ngộ và dinh dưỡng tốt hơn. Phải cho các VĐV được cọ xát thi đấu liên tục để họ tích lũy nền tảng thể lực tốt, sức chịu đựng, va chạm và trui rèn được bản lĩnh thi đấu. Những trường hợp như Hoàng Xuân Vinh thất bại vừa qua đừng có đổ lỗi chỉ do tâm lý. Thử hỏi 1 năm qua từ sau khi Vinh vô địch Olympic, anh đã được đầu tư như thế nào, tạo điều kiện ra sao.
Điều cần làm của thể thao VN là phải có ngay các chuyên gia về dinh dưỡng, y học để chăm lo sức khỏe cho VĐV. Đặc biệt, cần có chuyên gia tâm lý cho tất cả các môn thể thao Olympic, chứ không chỉ viện lý do thiếu tiền rồi chỉ tập trung cho số ít môn. Như vậy sự phát triển sẽ không đồng bộ, sự định hướng sẽ dẫn tới thiếu công bằng và thể thao VN khó có thành tích cao ở nhiều môn Olympic.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.