Để theo đuổi những ngành học 'trăm triệu'

15/08/2024 07:35 GMT+7

Nhiều trường ĐH đang đào tạo các ngành đòi hỏi sự sáng tạo và trong quá trình học phải làm nhiều sản phẩm, dự án cần chi phí như truyền thông đa phương tiện, kiến trúc, thiết kế thời trang, mỹ thuật ứng dụng, đạo diễn...

Đây là những ngành học ngoài học phí ra còn có những khoản chi cao hơn rất nhiều so với những ngành học khác.

ĐẦU TƯ SẢN PHẨM TỪ VÀI CHỤC TRIỆU ĐẾN TRĂM TRIỆU ĐỒNG

Lê Bảo Ngọc, sinh viên (SV) năm cuối ngành truyền thông đa phương tiện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết đặc thù ngành học là phải thực hiện những sản phẩm, dự án. "Từ năm 1, SV đã được trường tạo điều kiện để tiếp xúc với thực tế ngành học nên có những môn như nghiệp vụ đạo diễn cơ bản, kịch bản phân cảnh, kỹ thuật audio visual... Kỳ nào tụi em cũng làm sản phẩm như phim ngắn, MV, tham gia các hoạt động cho nhãn hàng, doanh nghiệp... Tụi em phải sản xuất podcast, video. Quy mô và kinh phí tùy vào khả năng của mỗi SV", Ngọc cho biết.

Để theo đuổi những ngành học 'trăm triệu'- Ảnh 1.

Bộ sưu tập thời trang trong đồ án tốt nghiệp dàn mẫu "nhí" tốn khá nhiều chi phí

NVCC

Tuy nhiên, theo Ngọc, một sản phẩm chẳng hạn như phim ngắn (5 phút) phải tốn ít nhất 10 triệu đồng, một MV ít nhất 20 triệu đồng. Nếu không có mối quan hệ hỗ trợ hoặc không xin được tài trợ thì số tiền rất lớn, lên tới 50 - 60 triệu đồng/MV.

"Đồ án tốt nghiệp thì tốn kém hơn rất nhiều. Nếu làm phim thời lượng 15 phút thì kinh phí khoảng 60 - 80 triệu đồng. Có những nhóm đầu tư hàng trăm triệu đồng cho đồ án tốt nghiệp", Bảo Ngọc chia sẻ thêm.

Trong khi đó, Tú Trinh, vừa tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Hoa Sen, cho hay khi đăng ký học ngành này bản thân không hề nghĩ ngoài khoản học phí thì trong quá trình học lại tốn kém nhiều như vậy. Trinh kể lại: "Ngay khi vào năm học em phải mua một chiếc máy may, loại rẻ nhất cũng là 3 - 5 triệu. Sau đó sắm một chiếc laptop 19 triệu. Tuy nhiên, do đặc thù ngành học phải sử dụng máy có cấu hình mạnh, dùng một thời gian máy chạy không nổi nên em phải mua một chiếc khác cấu hình mạnh hơn giá 30 triệu đồng. Sang năm 3 trở đi, em thường xuyên phải làm bài tập để cho ra các sản phẩm thiết kế. Mỗi sản phẩm như vậy muốn chỉn chu và bắt mắt phải tốn khoảng 5 triệu đồng với những chi phí mua vải, thuê người mẫu, nhiếp ảnh... Mỗi năm tụi em phải làm 4 - 5 cái".

"Thông thường một bộ sưu tập phải thuê ít nhất 3 người mẫu, mỗi mẫu từ 2,5 - 10 triệu đồng tùy tên tuổi. Sau đó khâu chụp hình phải thuê người chụp, xe di chuyển, người trang điểm, địa điểm, ăn uống, xăng... Tổng cộng tốn khoảng 50 triệu đồng", Trinh cho hay.

Để theo đuổi những ngành học 'trăm triệu'- Ảnh 2.

Sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện trong buổi công chiếu sản phẩm do trường tổ chức

B.N

KHÔNG PHẢI ĐẦU TƯ NHIỀU TIỀN THÌ CHẮC CHẮN ĐIỂM CAO

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Trưởng khoa Kiến trúc - Mỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn nhận: "Đúng là đối với các ngành nghệ thuật và sáng tạo như mỹ thuật, thiết kế... việc thực hiện các dự án, mô hình, sản phẩm khi làm bài tập và làm đồ án tốt nghiệp thường đòi hỏi SV phải bỏ ra một khoản kinh phí nhất định. Tuy nhiên, mức độ tốn kém này phụ thuộc rất nhiều vào hướng tiếp cận, định hướng và yêu cầu của từng trường, từng chuyên ngành. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đặt trọng tâm vào việc SV phải có khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề và tính ứng dụng của sản phẩm chứ không quá đề cao mức độ đầu tư về vật chất".

Theo tiến sĩ Ngọc Quyên, hiện nay có rất nhiều cách thức để SV được hỗ trợ khi làm đồ án như được các doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, hoặc được SV các khóa trước giúp đỡ.

"Quan trọng là SV có được định hướng đúng đắn từ thầy cô, và tận dụng tốt các cơ hội hỗ trợ hiện có. Có nhiều SV mặc dù tiền đầu tư thực hiện đồ án rất nhiều nhưng điểm số không như ý bằng SV đầu tư kinh phí thấp hơn", tiến sĩ Ngọc Quyên chia sẻ.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: "Nếu nhà em nào điều kiện kinh tế không phù hợp thì sẽ khó khăn để theo học. Nhưng nếu đam mê, có năng khiếu, học giỏi thì các em có nhiều cách như tìm nguồn tài trợ, đi làm thêm, hoặc em nào xuất sắc được trường cấp học bổng từ 50 - 100% học phí toàn khóa thì sẽ giảm gánh nặng rất nhiều".

Ngoài ra, tiến sĩ Tuấn cũng lưu ý việc đánh giá sản phẩm không phụ thuộc vào việc đầu tư bao nhiêu tiền, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý tưởng sáng tạo, cách thể hiện ý tưởng, công sức, chất xám bỏ ra...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.