Đề thi học sinh giỏi cho giáo sư: Đề văn kiểu gì thì không 'nhạt', chán?

18/01/2021 19:39 GMT+7

Câu chuyện đề thi học sinh giỏi văn như dành cho giáo sư, tiến sĩ mới đây ở Hà Nội vẫn gây nhiều ý kiến tranh luận trong cộng đồng. Vậy đề thi văn như thế nào thì không 'nhạt", nhàm chán, tạo hứng thú cho học trò?

Không phải là những vấn đề cao siêu, càng khó hiểu để càng gây tranh cãi, nhiều bạn trẻ đã và đang tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi văn cho biết học văn là học làm người. Các bạn trẻ cho biết, đề văn không nhất thiết phải “khó hiểu và quá hàn lâm” như đề thi học sinh giỏi dành ở Hà Nội vừa qua, nó cần giản dị, đi từ cuộc sống để học trò bày tỏ những quan điểm, thông điệp về cuộc sống.

Không phải đề đếm ý ăn điểm

Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM, cho biết em luôn có ấn tượng và chắc chắn sẽ viết tốt những bài văn mà đề có câu nghị luận xã hội, từ câu chuyện trong tác phẩm văn học liên kết, xâu chuỗi để nói về những vấn đề trong cuộc sống hiện tại hôm nay.
Hoặc những đề bài văn không phải theo hướng thuyết minh, yêu cầu học sinh làm đúng mô típ, dàn bài mà sách nào cũng hướng dẫn rồi đếm ý ăn điểm.

Đề thi học sinh giỏi văn lớp 9 cấp thành phố Hà Nội gây tranh luận

Ảnh chụp màn hình

“Em muốn những đề văn mở hơn. Có thể là nghị luận văn học, nghị luận xã hội nhưng cho học sinh khả năng phản biện nhiều hơn, so sánh, đối chiếu và nêu ra thông điệp của mình hơn là những đề bài chỉ cần học sinh học thuộc dàn ý là làm được”, Linh nói.
“Em từng đọc được những đề học sinh giỏi văn rất hay trên mạng xã hội và nghĩ là nếu được cho viết, các bạn học sinh có khả năng sáng tạo sẽ làm ra những bài viết rất hay. Như đề văn “Bạn có màu gì”. Hay “Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về định lý Pytago”. (Định lý Pytago: Trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông). Em nghĩ sẽ không có một dàn ý nào trên đời cho những đề văn trên. Nhưng nó hoàn toàn cho học trò cảm hứng với môn văn”, Linh trao đổi.
Bàn về câu chuyện học sinh mong chờ đề thi học sinh giỏi văn như thế nào, anh Lê Phương Nam, 27 tuổi, cựu học sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên, từng tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố Thái Nguyên, cho biết dù ở hiện tại hay trước đây, thì các thế hệ học sinh đều mong muốn chạm vào những đề văn gần gũi với đời sống.
“Văn học là hình thành nhân cách con người. Văn học cũng là cuộc sống. Như vậy thì đề văn càng gần gũi với cuộc sống, mang hơi thở cuộc sống sẽ cho học sinh nhiều cảm hứng hơn cả. Mới đây, chúng ta có thể nhìn lại những đề thi môn văn của TP.HCM tuyển sinh vào lớp 10. Hay đề thi văn hay chữ tốt cho học sinh TP.HCM khi cho các em xuống tàu cao tốc trên sông Sài Gòn để trải nghiệm và có những góc nhìn về thành phố này. Tất cả những đề văn này khiến tôi đều cảm thấy rất thích thú", anh Nam cho biết.

Đề thi văn hay chữ tốt của TP.HCM mới đây

Ảnh Nguyễn Loan

"Văn học sẽ định hình nhân cách của các em học sinh. Qua bài làm văn có thể xem học trò có khả năng quan sát cuộc sống hay không, có tinh tế, cảm nhận được nhiều điều từ cuộc sống hay không. Đọc đề hay, mỗi học trò cũng sẽ có cách liên tưởng khác nhau, người chấm cũng sẽ được thăng hoa trong những bài viết sáng tạo. Do đó, tôi nghĩ đề thi học sinh giỏi văn đừng quá hàn lâm, nặng về lý luận văn học để trò "học gạo", viết lên thì lời văn rất kêu nhưng bên trong thì sáo rỗng”, anh Nam nói thêm.

Nếu được ra đề thi học sinh giỏi văn, bạn ra thế nào?

Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, 23 tuổi, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu), giải nhì học sinh giỏi văn cấp quốc gia, cho biết các bạn học sinh THCS là giai đoạn các bạn dần tiếp xúc với thế giới, phản biện nhiều hơn, biết đồng tình, phản đối với những hiện tượng xã hội và cuộc sống.
Các tác phẩm trong sách giáo khoa THCS có nhiều tác phẩm mang tính thời sự, thậm chí cả những tác phẩm lãng mạn vẫn có thể đánh vào những vấn đề thời sự. Do đó, ở độ tuổi này nếu trong các đề thi học sinh giỏi văn làm sao thấy được sự liên quan giữa văn học và cuộc sống, cho các em cơ hội trình bày nhiều hơn về những quan sát xã hội thì sẽ hay hơn nhiều.
“Tôi muốn đề văn 'động' hơn, tức là có những câu chuyện xã hội thật, để những em thích được tranh biện, quan sát sẽ thấy không nhàm chán. Nếu được là người ra đề thi học sinh giỏi môn văn, tôi sẽ ra đề mang tính thời sự đối với đề nghị luận xã hội. Ở câu nghị luận văn học, trọng tâm vẫn là một tác phẩm, văn bản nhất định, nhưng từ đó cũng sẽ liên kết với một sự kiện xã hội gần nhất”, Hương cho biết.

Mỗi nơi có một định hướng riêng?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, một giáo viên dạy văn THCS tại TP.HCM, trong đội ngũ người ra đề thi học sinh giỏi văn cấp quận, cho biết thông thường mỗi địa phương sẽ có những định hướng khác nhau về cách ra đề thi học sinh giỏi cho môn văn.
Ví dụ, tại TP.HCM sẽ quan điểm là đề thi học sinh giỏi văn không phải cho học sinh chứng minh đúng, sai mà cho học sinh cái nhìn nhiều chiều, được trăn trở, được phản biện, được mang màu sắc cá nhân. Và chắc chắn, cái phản biện, trăn trở đó phải có thông điệp phù hợp đạo đức, tính nhân văn.

Học sinh đi tàu cao tốc trên sông Sài Gòn rồi về thi viết văn

Ảnh Nguyễn Loan

Theo giáo viên này, học sinh sẽ có hứng thú với những đề thi học sinh giỏi môn văn mà ở đó có độ mở, có thể cho học trò tự do sáng tạo, nêu những trải nghiệm cá nhân. Ví dụ các thầy cô có thể cho học trò nghe một bài hát, xem một video… rồi từ đó, ra đề văn liên quan, để học trò bày tỏ quan điểm, trăn trở về đề tài.
Mới đây, đề thi văn hay chữ tốt của TP.HCM trước tiên sẽ cho học trò trải nghiệm tàu cao tốc trên sông Sài Gòn, rồi sau đó mới ngồi viết văn. Tức là cho học trò được trải nghiệm trước khi suy nghĩ, cho các trò được cảm nhận bằng các giác quan, rồi viết lên những quan điểm của cá nhân, thuyết phục người chấm bằng câu, từ, hành văn của mình. Theo giáo viên trên, những đề thi học sinh giỏi dạng này đều khiến các học trò, và ngay cả các phụ huynh đều rất thích thú.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.