Hình ảnh này diễn ra liên tục trong buổi khai mạc chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị triển lãm Bình Dương vào ngày 27.2.
Hàng ngàn HS tỉnh Bình Dương đến với ngày khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Tham dự chương trình trong buổi chiều có khoảng 3.000 học sinh (HS) đến từ 49 trường THPT. Buổi sáng cùng ngày cũng trên 3.000 HS đến nghe tư vấn tâm lý, hướng nghiệp và tham quan gian hàng.
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Bình Dương, thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và học sinh nhiều vùng miền khác.
|
Nộp giấy chứng nhận kết quả thi khi làm hồ sơ nhập học
Bắt đầu chương trình, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), thông tin theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ, về cơ bản kỳ thi này sẽ giữ ổn định như năm 2015. Theo đó thí sinh (TS) sẽ đăng ký dự thi tại trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, những TS đã tốt nghiệp từ 2015 về trước sẽ đăng ký tại các điểm do sở GD-ĐT quy định. Nếu để xét tuyển tốt nghiệp THPT, chỉ cần đăng ký 4 môn trong đó 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn. TS những khu vực khó khăn được phép chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ. TS đăng ký xét tuyển ĐH và CĐ có thể đăng ký thêm các môn phù hợp với từng tổ hợp xét tuyển theo quy định các trường.
Đặt câu hỏi đầu tiên trực tiếp tại hội trường, HS Lương Thị Thanh Huyền, Trường THPT Trịnh Hoài Đức tỉnh Bình Dương, nói: “Có bao nhiêu cách để thi vào trường ĐH và thủ tục nộp hồ sơ như thế nào?”. PGS-TS Trần Văn Nghĩa cho biết TS có thể xét tuyển vào trường ĐH theo 2 cách: dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học bạ THPT. Trong đó, riêng phương thức xét bằng kết quả thi THPT quốc gia TS cần lưu ý vì có nhiều điểm điều chỉnh so với năm ngoái. Cụ thể, mỗi TS chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả của trường tổ chức thi nhưng không dùng giấy này để nộp hồ sơ xét tuyển mà sẽ sử dụng khi nộp hồ sơ nhập học. Trong đó, ở đợt xét đầu tiên TS được đăng ký tối đa 2 trường (mỗi trường tối đa 2 ngành) và các đợt xét tuyển bổ sung đăng ký tối đa 3 trường (mỗi trường tối đa 2 ngành). Đặc biệt, năm nay TS không nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ mà đăng ký qua bưu điện hoặc trực tuyến.
Vận dụng thêm kiến thức thực tiễn
Về đề thi, PGS-TS Trần Văn Nghĩa thông tin cấu trúc đề thi hoàn toàn giống 2015 với 2 nhóm câu hỏi: nhóm câu hỏi để HS trung bình có thể đỗ tốt nghiệp, nhóm thứ 2 nhằm phân loại thí sinh xét tuyển ĐH và CĐ. Định hướng ra đề thi tiếp tục theo hướng giảm học thuộc lòng, hướng tới đánh giá năng lực TS. Ví dụ, đề lịch sử không đòi hỏi TS phải nhớ sự kiện, môn ngữ văn có thể vận dụng thêm kiến thức thực tiễn...
Một HS Trường THPT Trịnh Hoài Đức băn khoăn: “Quy chế thi nay năm tính việc làm tròn điểm bài thi như thế nào, đề thi môn ngoại ngữ sẽ có 3 ý như năm rồi hay cho thí sinh viết tự do?”. PGS-TS Trần Văn Nghĩa thông tin cấu trúc đề thi năm nay sẽ giống như năm 2015 ở tất cả các môn, kể cả môn ngoại ngữ. Về quy định làm tròn điểm thi, năm trước bài thi theo thang điểm 100 và quy về thang điểm 10 nên TS đạt 6,4 và TS đạt 6,6 điểm đều quy về 6,5 điểm. Tuy nhiên năm nay trường hợp này không được làm tròn nhằm tránh tình trạng TS bị thiệt.
Một HS hỏi điểm liệt là mấy điểm, nếu thi trắc nghiệm đánh nhiều câu liên tiếp giống nhau thì có bị điểm liệt hay không? Tiến sĩ Nghĩa cho biết: “Nếu các em bị 1 điểm thì đó là điểm liệt, sẽ không đủ điều kiện tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Các em có quyền đánh dấu một phương án cho nhiều câu miễn là đúng luật, nhưng sẽ có khả năng bị điểm liệt nếu tất cả các câu đều sai”.
Giải đáp những câu hỏi... lo xa
Không chỉ quan tâm đến quy chế thi và xét tuyển, hàng loạt câu hỏi sắc sảo về ngành nghề cũng được HS đưa ra. Trần Thị Hằng, HS Trường THPT Phan Bội Châu, hỏi: “Ngành công nghệ sinh học và sinh học có khác gì nhau, tương tự ngành công nghệ thông tin và ngành toán - tin có gì khác?”. PGS-TS Trần Lê Quan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học nhiên TP.HCM giải đáp: “Công nghệ sinh học và sinh học là 2 ngành đều nằm trong khoa sinh học của trường. Tuy nhiên khác biệt ở chỗ ngành sinh học đào tạo cơ bản kiến thức về về sinh học với nhiều chuyên ngành như: vi sinh vật, di truyền thực vật... Còn ngành công nghệ sinh học đào tạo các kiến thức về kỹ thuật gien, di truyền, tế bào gốc... Đối với ngành công nghệ thông tin thì học về tin học, máy tính, mạng... còn ngành toán - tin đi sâu về toán và phần tin học thiên về thuật toán nhiều hơn”.
Một HS đặt câu hỏi ở thì tương lai khá... xa: “Cơ hội việc làm ngành vật lý hạt nhân trong những năm tới ra sao, đồng thời nếu em... về hưu thì có chính sách hỗ trợ gì hay không?”. PGS-TS Trần Lê Quan chia sẻ: “Trường có đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành điện năng lượng hạt nhân của VN trong tương lai. Nhân lực ngành này rất cần cho lĩnh vực y khoa, như chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị. Đến khi em... về hưu, cơ quan tuyển dụng em sẽ có những chính sách cụ thể”.
Hoàng Tuyết Hương, Trường THPT Dầu Tiếng, thắc mắc: “Ngành ngữ văn ra trường có cơ hội việc làm hay không, có thể làm những công việc gì?”. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giải đáp: “Các em tốt nghiệp ngành này có thể làm giáo viên tại các trường THPT, THCS. Ngoài ra còn có thể làm ở viện nghiên cứu, viện ngôn ngữ, các cơ sở hành chính, cơ quan báo chí...”.
Tư vấn mùa thi là người bạn đồng hành của thí sinh
Qua nhiều năm phối hợp và đồng hành cùng chương trình của Báo Thanh Niên, Bộ đánh giá cao hiệu quả chương trình này. Thành công của chương trình thể hiện qua nội dung thông tin phong phú, kịp thời, phương thức tổ chức đa dạng và sử dụng phương tiện truyền thông linh hoạt, tạo ra được cầu nối thông tin hữu hiệu giữa các trường với phụ huynh và TS.
Nhiều TS nhờ chương trình này đã lựa chọn được ngành nghề phù hợp năng lực sở trường, từ đó đạt kết quả cao trong học tập và thành công trong cuộc đời. Chương trình này cùng với các chuyên trang giáo dục hằng ngày trên báo in, báo điện tử của Thanh Niên đã cung cấp rộng rãi và kịp thời thông tin cập nhật từ nhu cầu thị trường lao động đến những lời khuyên về cách học, cách làm bài thi đạt kết quả cao nhất. Nhờ đó Báo Thanh Niên đã thực sự trở thành người bạn đồng hành gần gũi với mỗi TS và gia đình trong mỗi mùa thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng
|
Báo Thanh Niên xin trân trọng cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ tổ chức thành công chương trình: Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT, Đài PT-TH tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; các trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC, Vietcombank Bình Dương, Tổng công ty TM XNK Thanh Lễ, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương, Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia, Agribank Đồng Nai, Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI VN, Công ty cấp thoát nước môi trường Bình Dương, Công ty CP công nghệ và truyền thông (VNTT) Bình Dương, Công ty nước giải khát Suntory Pepsico VN.
|
|
Bình luận (0)