Báo Thanh Niên số ra ngày 8.2 có đề cập việc một số giáo viên cho biết đề thi thử nghiệm môn toán lần 2 mà Bộ GD-ĐT công bố có một câu hỏi liên quan đến chương trình lớp 10, trong khi Bộ khẳng định nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12. Các nhà chuyên môn đã tranh luận thế nào là đề thi nằm ngoài chương trình”?
Nhiều kiến thức cơ bản sẽ nằm ở các lớp dưới
Nếu có thái độ “hoang mang” của học sinh (HS) khi tiếp cận một câu hỏi được cho là “nằm ngoài chương trình lớp 12” nhưng trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông thì điều đáng phải suy ngẫm đầu tiên là cách học theo từng nhóm kiến thức đã ăn sâu vào nếp học, nếp dạy, nếp thi của ta. Qua đó cho thấy việc tích hợp nội môn đã là khó chứ chưa nói gì đến tích hợp xuyên môn, liên môn. Thực sự rất khó phát biểu các bài toán thực tế mà lại bó khung trong một mảng kiến thức. Bài toán thực tế, bên cạnh nội dung toán học chính còn cần đến những kiến thức thường thức phổ thông khác. Câu hỏi cho rằng nằm ở chương trình lớp 10 lại là một bài toán khá hay. Nếu chiếu theo chương trình thì kiến thức được sử dụng để giải quyết bài toán nằm ở lớp 10, nhưng nếu cứ tra xét theo chương trình như vậy thì rất nhiều kiến thức cơ bản khác trong đề thi (hoặc trong lời giải) sẽ nằm ở các lớp dưới. Chẳng hạn nếu có một bài liên quan đến diện tích hình tròn, diện tích hình chữ nhật thì sẽ dùng kiến thức của lớp mấy? Hay các bài số phức thường dùng các kiến thức lượng giác và hằng đẳng thức cũng vậy.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng
(Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
(Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
tin liên quan
Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố đề thi thử nghiệm lần 2Bộ GD-ĐT công bố bộ đề thi thử nghiệm lần 2, gồm 9 môn: toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân. Trong đó ngoại ngữ gồm các tiếng: Anh, Nhật, Trung, Đức, Nga, Pháp.
Miễn đừng vượt quá lớp 12 !
Khi nói “chương trình nằm trong lớp 12” thì không được ra đề vượt lớp 12, còn dưới lớp 12 là được phép. Kiến thức lớp 12 thì trong lòng nó đã có kiến thức lớp 10, 11. Chẳng hạn khi làm một bài toán về đạo hàm thì người học bắt buộc phải làm phép tính cộng trừ nhân chia đa thức, mà cộng trừ nhân chia đa thức được học từ lớp 8. Anh không thể lập luận là vì công cụ để giải quyết bài toán nằm ở lớp 8 mà cho rằng nó nằm ngoài chương trình lớp 12! Nếu lập luận kiểu đó thì không ai có thể làm được một đề thi.
Làm sao để tránh việc lấy hoàn toàn nội dung chương trình lớp 10, 11 để ra đề thi mà vẫn biện minh nằm trong chương trình lớp 12? Ràng buộc của nó là hình thức phát biểu bài toán, đích câu hỏi hướng tới phải là một nội dung lớp 12. Cái đích mà bài toán muốn kiểm tra (về đơn vị kiến thức chứ không phải là năng lực) thuộc lớp 12 nhưng để hiểu và kỹ thuật giải thì đòi hỏi vận dụng kiến thức từ tiểu học đến tận lớp 12, miễn đừng vượt quá lớp 12.
GS Đỗ Đức Thái
(Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
(Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Không nên quan niệm giới hạn nội dung đề chỉ trong một lớp
Không nên hiểu nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12 theo nghĩa đề thi không được có nội dung ở các lớp dưới. Kiến thức toán học trong chương trình phổ thông được thiết kế có sự phát triển liên quan chặt chẽ với nhau. Bởi vậy không thể quan niệm cứng về việc giới hạn nội dung đề chỉ trong một lớp. Ai cũng biết các phép tính số học thuộc chương trình tiểu học, các phép tính đại số thuộc chương trình THCS. Nếu đề thi THPT quốc gia không kiểm tra các phép tính này (không thuộc chương trình lớp 12) thì sẽ ra đề thế nào? Việc câu 28 có liên quan tới kiến thức cơ bản của lớp 10 theo tôi là chuyện bình thường.
Tiến sĩ Lê Thống Nhất
(Tổng giám đốc BigSchool)
(Tổng giám đốc BigSchool)
Những vấn đề lần đầu tiên được đề cập ở lớp 12
Khi quy định nội dung nằm trong chương trình lớp 12 nghĩa là hỏi về những vấn đề lần đầu tiên được đề cập ở lớp 12 chứ không phải ở các lớp dưới. Đương nhiên, để giải quyết vấn đề được hỏi, thí sinh có quyền dùng kiến thức từ lớp 1 đến lớp 12. Liệu có ai có thể làm "rùm beng" cái chuyện bài này hay bài kia không nằm trong chương trình lớp 12 hoặc cấp THPT vì phải dùng tới phép cộng, trừ, nhân, chia (những kiến thức được học ở tiểu học) cùng các tính chất của chúng hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Minh
(chuyên viên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT)
(chuyên viên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT)
Cần dạy học sinh vận dụng khái niệm cho nhiều dạng bài
Câu hỏi số 28 trong đề thi thử nghiệm môn toán là câu ở mức vận dụng cao, kiến thức trọng tâm là ứng dụng hình học của tích phân. Câu hỏi yêu cầu HS phải có nền kiến thức cơ bản về phương trình elip được học ở lớp 10 sau đó sử dụng kiến thức về tích phân để giải quyết bài toán. Nếu nói câu này không nằm trong chương trình lớp 12 cũng giống như yêu cầu không được sử dụng các khái niệm cơ bản trong hình học phẳng (tam giác, đường tròn, định lý hàm sin, cosin... ở lớp 8, 9, 10) để làm hình học trong đề thi.
Các thầy cô hãy dạy cho HS của mình thật kỹ các khái niệm và vận dụng khái niệm đó cho nhiều dạng bài khác nhau. Còn với HS khá giỏi về môn toán phải cho các em nhìn một vấn đề với nhiều cách, phải biết đặt ra các tình huống khác trong cùng một bài toán, một đơn vị kiến thức.
Một giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ
Tuệ Nguyễn (ghi)
|
Bình luận (0)