Nhưng theo các chuyên gia, nên bỏ trần để thị trường tự quyết định giá vé là tốt nhất.
Bay Hà Nội đi TP.HCM từ 3,75 lên 4 triệu
Báo cáo Bộ GTVT, ông Phạm Văn Hảo, Cục phó Cục Hàng không, cho biết: Đầu năm 2022, do các bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới, giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao đột biến.
Theo tính toán, nếu tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 4.2022 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12.2014 và tăng 84% so với tháng 9.2015. Tác động làm tổng chi phí tăng 28% so với tháng 12.2014 và tăng 33% so với tháng 9.2015.
Tăng khung giá trần sẽ khiến giá vé máy bay các dịp lễ, tết trở nên đắt đỏ |
Đậu Tiến Đạt |
Với Vietnam Airlines, chi phí của hãng sẽ tăng thêm 5.700 tỉ đồng nếu giá nhiên liệu bay là 130 USD/thùng. Nếu giá nhiên liệu lên tới 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm tới hơn 9.100 tỉ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến năm 2022 của hãng này.
Tương tự, theo ước tính của Bamboo Airways, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí nhiên liệu của hãng sẽ tăng thêm khoảng 3.200 tỉ đồng và tăng lên đến 4.600 tỉ đồng nếu mức xăng dầu lên đến mức 150 USD/thùng. Vietjet Air cũng tăng thêm tới 5.200 tỉ đồng chi phí nếu nhiên liệu Jet A1 duy trì ở mức 130 USD/thùng, tương ứng với Vietravel Airlines là 310 tỉ đồng.
Cho rằng mức giá trần hiện nay không còn phù hợp, Cục Hàng không đề xuất điều chỉnh về khung giá như thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành). Trong đó, đường bay dưới 500 km giữ nguyên mức giá, từ 500 - 850 km tăng từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng. Từ 850 km đến dưới 1.000 km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng.
Tăng cao nhất là 2 đường bay từ 1.000 km từ 3,2 triệu lên 3,4 triệu đồng; đường bay 1.280 km trở lên như Hà Nội - TP.HCM, Côn Đảo, Phú Quốc tăng từ 3,75 triệu lên 4 triệu.
Cục Hàng không đề xuất tăng trần giá vé máy bay |
Cục Hàng không cũng cho biết, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé mà ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt. Theo Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh khung giá dịch vé máy bay bằng năm 2014 sẽ góp phần làm CPI chung tăng 0,003%. Dự kiến, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa như trên gần như không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2022.
Cục Hàng không đề xuất tăng trần giá vé máy bay để “cứu” các hãng hàng không |
Độc lập |
Ít ảnh hưởng giá vé?
Về cơ bản, khung giá vé máy bay nội địa được Cục Hàng không đề xuất giống như đề xuất tăng giá trần trước đó của Vietnam Airlines. Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết tăng trần giá vé không đồng nghĩa với việc tăng giá vé máy bay. Giá vé được quyết định bởi cung/cầu thị trường, hiện tại giá vé bình quân của các hãng cũng chỉ tương đương 50% mức giá trần.
“Việc tăng trần giúp tăng khả năng linh hoạt về giá cho các hãng hàng không trong việc cân đối về hiệu quả giữa các đường bay, giữa các giai đoạn mùa vụ khác nhau của thị trường, tạo điều kiện cho các hãng tăng khả năng mở rộng thị trường và phát động thị trường khi cần thiết”, ông Tuấn nói.
Nhiều lo ngại cho rằng việc tăng giá trần vé máy bay sẽ có tác động tiêu cực khi thị trường hàng không và du lịch vừa bắt đầu phục hồi. Đặc biệt, khách hàng sau hơn 1 năm phải ở nhà vì vướng dịch, nay sẽ phải mua vé máy bay hoặc tour du lịch đắt hơn.
Song, theo ông Đặng Anh Tuấn, các chương trình phát động khách du lịch hiện nay của Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng giá trần. Lý do hiện các hãng đều áp dụng các chương trình giá khuyến mãi phát động du lịch; các sản phẩm combo trọn gói (vé máy bay + khách sạn) giá ưu đãi; các chương trình quảng bá du lịch, điểm đến...
Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines cũng khẳng định việc tăng trần giá vé không có nghĩa là các hãng hàng không sẽ đồng loạt tăng giá vé. Tăng trần chỉ là tạo cơ hội để các hãng có cơ sở về mặt pháp lý để bán vé với mức giá cao nhất tại những thời điểm nhất định. Được bán giá cao hơn là một chuyện, bán được vé với mức giá đó hay không lại do thị trường quyết định.
Ông Vũ Đức Biên phân tích: Thị trường hàng không quốc tế hiện chưa hồi phục 100% trong khi lượng máy bay của các hãng vẫn đang giữ nguyên, tập trung vào thị trường nội địa. Cung rất lớn, tuy cầu có tín hiệu tăng tốt trở lại sau khi du lịch mở cửa, song vẫn không lớn đến mức có thể sử dụng hết đội máy bay. Mặt khác, sau đại dịch, kinh tế của người dân đã hạn chế đi rất nhiều. Ai cũng có tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ, chọn những loại dịch vụ giá hợp lý. Hiện nay, có rất nhiều lựa chọn cho khách hàng, cạnh tranh lớn, các hãng cũng không thể lợi dụng bỏ giá trần để đẩy giá vé tăng “vô tội vạ”.
“Chi phí đầu vào của các hãng hàng không hiện quá lớn. Vietravel dự kiến chi phí cho nhiên liệu bay trong năm 2022 chỉ khoảng 80 - 85 USD/tấn nhưng hiện đang phải trả 135 USD/tấn. Xu hướng xăng dầu đang giảm nhưng với tình hình thế giới còn nhiều bất ổn như hiện nay, giá xăng dầu có thể sẽ neo ở mức 100 USD/tấn, cao hơn khoảng 20% so với dự kiến chi phí. Việc bỏ giá trần là cần thiết để tạo điều kiện cho các hãng vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Tổng giám đốc Vietravel Airlines nêu ý kiến.
Bỏ trần thay vì tăng trần
Không chỉ ủng hộ việc tăng giá trần theo đề xuất của Cục Hàng không, TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN còn kiến nghị nên bỏ luôn giá trần để hàng không được phát triển theo đúng định hướng kinh tế thị trường. Theo ông Nam, các đường bay hiện nay đều có sự cạnh tranh. Mạng bay quốc tế có sự tham gia khai thác của rất nhiều hãng nước ngoài, mạng bay nội địa hiện cũng đã có tới 6 hãng hàng không, cạnh tranh quyết liệt trên hầu khắp các đường bay. Vì thế, giá vé máy bay hiện đã hoàn toàn đủ điều kiện để thị trường tự quyết định, không cần có sự can thiệp của nhà nước.
Trước lo ngại tăng giá vé máy bay giai đoạn du lịch vừa mở cửa trở lại sẽ cản trở các chương trình kích cầu, ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh: “Đừng chỉ vì một mùa du lịch mà kéo dài sự phi thị trường. Cả thế giới vận hành theo nền kinh tế thị trường, chỉ còn mình VN vẫn giữ sự can thiệp từ nhà nước. Điều này sẽ chỉ mang lại những tác động tiêu cực, không có hại cho người dân thì cũng hại cho doanh nghiệp. Bỏ sớm ngày nào thì tốt cho nền kinh tế ngày đó. Không có giá trần có thể còn giúp giải quyết câu chuyện lệch chiều bay tại một số giai đoạn cao điểm”.
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ - lữ hành Saigontourist, thừa nhận tăng trần giá vé máy bay có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch. Cụ thể, gói sản phẩm của các công ty lữ hành bao gồm vé máy bay, khách sạn, nhà hàng… chỉ cần một yếu tố trong cấu thành gói sản phẩm tăng giá thì bắt buộc các doanh nghiệp sẽ phải tăng giá tour. Khi đó, khách hàng có thể sẽ cân nhắc không đi hoặc đổi sang hình thức đi tự túc tại những điểm gần. Đặc biệt, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng cao như hiện tay, tất cả các dịch vụ đều tăng giá trong khi thu nhập giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý du lịch của người dân. Tuy nhiên, nhìn từ kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Hữu Y Yên cho rằng việc tăng giá trần, thậm chí bỏ giá trần là cần thiết để cứu ngành hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Với khách hàng cá nhân, tăng trần có thể đẩy giá vé cao hơn hiện nay khoảng vài trăm ngàn, không thấm vào đâu. Tăng giá sẽ tác động lớn hơn tới khách đoàn, doanh nghiệp nhưng đối tượng này có nhiều hơn sự lựa chọn. Thay vì tổ chức cho cả công ty ở TP.HCM đi chơi Phú Quốc, doanh nghiệp có thể đổi sang đi Nha Trang hoặc Đà Lạt bằng đường bộ để tiết kiệm chi phí. Nhìn chung, giá vé máy bay cũng nên để cho cung - cầu thị trường quyết định”, ông Yên nêu quan điểm.
Bình luận (0)