Cho thí sinh cơ hội bày tỏ chính kiến
|
Tương tự, theo Nguyễn Hoàng Xuân Yến, HS Trường THCS Chánh Hưng (Q.8), đề thi phần nghị luận xã hội bàn về ý chí vươn lên phù hợp với lứa tuổi HS. Câu hỏi này tạo điều kiện cho HS thể hiện suy nghĩ, quan điểm và có ý thức bản thân. Minh Thy, HS Trường THCS Sương Nguyệt Anh (Q.8), cho biết câu hỏi nghị luận xã hội khá gần gũi với đời sống giới trẻ, đó là ứng xử với người nổi bật hơn, bạn sẽ không muốn so sánh, hay sẽ làm mọi cách để nổi bật hơn? Theo Thy: “Muốn mình nổi bật hơn trong một đám đông không có gì là sai trái, tùy vào cách thức bạn làm để nổi bật, và khi bạn đã nổi bật rồi, thì bạn ứng xử như thế nào với mọi người”.
“Có đất để học sinh sáng tạo”
tin liên quan
Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Đề thi môn văn thú vịCô Nguyễn Thị Thùy Linh, giáo viên ngữ văn Trường THCS Tân Tạo A (Q.Bình Tân, TP.HCM), nhận xét: “Đề thi văn tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM thú vị, có đất cho HS sáng tạo, nêu lên ý kiến của mình. Đề văn một cách gián tiếp cho người trẻ những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, để trở thành người trẻ biết nghĩ cho bản thân, gia đình và ứng xử với những người trong cộng đồng, xã hội”.
Thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), nêu ý kiến: "Đề năm nay đòi hỏi TS cần có khả năng nghị luận các hiện tượng đời sống, hiểu về các triết lý mới có thể phân tích được các tình huống. Như vậy, với yêu cầu này, tính phân loại cho HS sẽ rất cao. HS làm bài càng sâu càng rộng chứng tỏ khả năng tư duy và am hiểu về cách thức làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống. Còn đối với các HS yếu hơn, mức độ khó của đề sẽ thể hiện rõ hơn. Về mức độ kiểm tra tiếng Việt, vẫn như các năm trước, thang phân điểm còn tương đối nhẹ”.
Thầy Lê Minh Tân, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), nhận xét đề hay, đòi hỏi HS có sự tư duy, “đánh bay” được suy nghĩ học tủ và yêu cầu TS phải có chiều sâu về suy nghĩ và hiểu biết.
Theo thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên ngữ văn lớp 9 tại Q.1, sự sâu sắc, sáng tạo của đề thể hiện ở việc sử dụng ngữ liệu khi ra đề. Đề thi khá mở, tạo điều kiện, kích thích tư duy, tạo hứng thú cho HS trong quá trình làm bài.
“Em thích đề văn !”
Kết thúc giờ thi, tôi hỏi học trò: “Đề văn như thế, em có thích không?”. Hầu hết các em được hỏi đều trả lời là “rất thích” và “có nhiều hứng thú làm bài thi”... Vì thế, quan sát tình hình làm bài của các em, tôi thấy các em viết nhiệt tình, say sưa, làm hết cả thời gian, kín cả 2 - 3 trang giấy…
Đề thi môn văn tạo được hứng thú cho TS trước hết là bởi cách trình bày. Mặc dù đề khá dài, gồm 2 mặt giấy, nhưng không quá nhiều yêu cầu, không nặng về kiến thức. Việc đan xen các hình ảnh giúp đề thêm sinh động, phù hợp tâm lý của lứa tuổi các em.
Hầu hết các câu hỏi trong đề đều theo hướng mở, cho TS có sự chọn lựa để thể hiện quan điểm bản thân, nên các em thấy thoải mái khi làm bài. Đề ít có yêu cầu phụ thuộc nặng nề vào kiến thức chương trình, giáo khoa, nên hạn chế được việc học tủ, học “vẹt”…
Trong bối cảnh chung của việc học bị cho là căng thẳng, nặng nề; việc thi cử bị cho là tạo ra nhiều áp lực, thì những đề thi tạo được sự yêu thích cho TS như thế này cần được khuyến khích, nhân rộng.
Trần Ngọc Tuấn (Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
|
Bình luận (0)