Thí sinh (TS) thở phào nhưng giáo viên thì trăn trở khi nhìn về mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông mà toàn ngành đang bắt đầu thực hiện.
Không mới về cấu trúc, không xa lạ về nội dung
Sau bao ngày hồi hộp với những thay đổi vào “phút chót”, TS thi vào lớp 10 ở Hà Nội đã kết thúc môn thi đầu tiên - môn ngữ văn, với thời lượng lần đầu tiên ngắn chỉ 90 phút thay vì 120 phút như hàng chục năm qua.
Đề tiếng Anh: Điểm 9, 10 có thể nhiều hơn các năm trướcRiêng với môn tiếng Anh năm nay, thời gian làm bài giảm từ 60 phút xuống còn 45 phút so với các năm thi trước; số câu hỏi cũng giảm xuống chỉ còn 30 câu để phù hợp với thời gian làm bài. Nội dung đề thi được giáo viên và HS đánh giá là nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 9 với mức độ “nhẹ nhàng”, phổ điểm sẽ là 7 - 8; số điểm 9, 10 có thể nhiều hơn các năm trước.
|
Về ngữ liệu, các giáo viên đều có chung nhận xét: như các năm gần đây, ngữ liệu vẫn sử dụng trong sách ngữ văn 9, kể cả phần đề mở, cho phép sử dụng ngữ liệu ngoài SGK nhưng Hà Nội vẫn “bám chặt” SGK khi sử dụng một trích đoạn trong sách ngữ văn lớp 9 (tập 2). Những câu hỏi quen thuộc như: kiểm tra những kiến thức về tác giả, tác phẩm (năm sáng tác bài thơ, tên tập thơ); kỹ năng viết đoạn văn theo những yêu cầu cụ thể về nội dung và hình thức được xác định trong câu lệnh; kỹ năng thông hiểu và cảm thụ văn học... Đó là những đơn vị kiến thức và kỹ năng quen thuộc với cấp THCS nên chắc chắn sẽ không làm khó các em.
|
Bà Phạm Thái Lê, giáo viên ngữ văn Trường Marie Curie, cho rằng đề thi không mới về cấu trúc, không xa lạ về nội dung, dù thời gian thi rút ngắn. Như vậy, điều mà TS và cả phụ huynh lo lắng nhất khi Hà Nội quyết định rút ngắn thời gian làm bài, rằng dạng đề sẽ thay đổi khiến TS bất ngờ vì đã quen luyện theo cách ra đề 120 phút, đã không xảy ra, tương ứng với thời gian làm bài chỉ còn 90 phút thì dung lượng đề thi có sự giảm đi. Cụ thể, số lượng câu hỏi trong đề thi sẽ giảm xuống còn 5 ý nhỏ, thay vì 7 ý như đề thi năm trước…
Bà Đỗ Khánh Phượng, giáo viên ngữ văn Trường phổ thông Hermann Gmeiner, cũng đánh giá cấu trúc đề thi vẫn giống mọi năm, chỉ là số câu được rút gọn và yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại ở phần 2 với câu 1 giúp học sinh (HS) có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình, để từ đó khẳng định giá trị của tri thức trong cuộc sống. Ở câu 2, cấu trúc có thể là đoạn văn hoặc bài văn với 2/3 trang giấy. Chắc chắn phần lớn HS sẽ viết đoạn văn. Đây cũng là một câu có sức phân loại bởi nó mang tính phản đề được thể hiện dạng câu hỏi “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. Với đề thi này, phổ điểm HS có thể đạt 6,5 - 7 điểm.
Thêm một lần trăn trở vì cách ra đề
Bà Phạm Thái Lê cho rằng với mục tiêu an toàn, quen thuộc, không đánh đố HS..., thì đề thi môn ngữ văn năm nay và cả chục năm trước đều đạt được. Tuy nhiên, cùng với đổi mới giáo dục phổ thông thì Hà Nội cũng nên “trở mình” thay đổi dần về cách thức ra đề. Nếu không, không chỉ HS sẽ không phát huy được năng lực, sáng tạo, mà cả GV cũng sẽ không theo kịp tinh thần đổi mới.
38 thí sinh không thể dự thi vì dịch bệnh Covid-19Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, trong buổi thi đầu tiên sáng 12.6, tổng số TS đăng ký dự thi là 93.363, có 269 TS vắng mặt. Trong đó, có 38 TS không dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (gồm: 1 diện F0, 20 diện F1, 7 diện F2 và 10 TS trong khu vực phong tỏa). Kết thúc buổi thi ngày 12.6, có 2 TS vi phạm quy chế do mang điện thoại vào phòng thi.
|
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, cũng chỉ ra rằng đề thi tuyển sinh môn ngữ văn vào lớp 10 hàng chục năm qua hầu như không có thay đổi từ cấu trúc tới tính chất, mức độ, kiểu dạng các câu hỏi. Sự thay đổi trong cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn từ năm 2011 tới nay chỉ xê xích một chút ít ở quỹ điểm, hoặc 7/3, hoặc 6/4; ở thứ tự phần kiểm tra kiến thức nghị luận văn học và nghị luận xã hội trước hay sau…
“Văn chương luôn hướng tới cái đẹp và cái đẹp luôn cần sự mới mẻ cùng một khoảng trời tự do cho suy tưởng và cảm nhận! Và các đề văn càng cần điều đó!”, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết chia sẻ.
Bình luận (0)