Loạt bài về vụ việc cô gái bị tai nạn giao thông nhưng không được người đi đường cứu giúp, dẫn đến tử vong, đăng trên Thanh Niên nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về chia sẻ với nỗi đau, mất mát của gia đình nạn nhân, đồng thời lên án thói vô cảm đã vô tình “giết chết” cô gái trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng thói vô cảm có phần bắt nguồn nỗi sợ “làm ơn mắc oán”, “dàn cảnh trộm cướp”..., khi trong thực tế có những câu chuyện người cứu giúp lại bị hành hung do hiểu nhầm là người liên đới, người gây tai nạn; chuyện dàn cảnh cướp giữa đường; mất thời gian, bị phiền phức khi phải đi lại cung cấp lời khai với cơ quan công an hay thậm chí vướng vòng lao lý nếu việc giúp đỡ chẳng may lại gây ra hậu quả do không có kỹ năng cấp cứu…
Làm sao để thói vô cảm không còn đất sống? Để lòng tốt lan tỏa, người gặp nạn được giúp kịp thời mà người giúp không còn vướng bận những “nỗi sợ mơ hồ”? Thanh Niên đã trao đổi và xin trích đăng một số ý kiến của các chuyên gia, nhà xã hội học như là câu trả lời.
PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Các khoa học giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội): Giáo dục ý thức từ khi là đứa trẻ
|
Thực tế “bệnh” vô cảm đang diễn ra do con người bị khủng hoảng niềm tin về lòng tốt của người khác. Trước đây, người Việt “thương người như thể thương thân”, còn bây giờ thương người có khi thành “thân tàn ma dại” nên họ phải cân nhắc. Hành vi mang tính thiện nhân của con người cần được thông qua giáo dục nhưng trong một xã hội văn minh, hiện đại, chúng ta đã thực sự quan tâm giáo dục cho những đứa trẻ thói quen giúp đỡ người khác hay chưa? Qua những vụ việc trên, tôi cho rằng chúng ta cần phải giáo dục cho trẻ em ý thức trách nhiệm, bổn phận với cộng đồng, mọi người phải biết yêu thương nhau.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học VN: Những người vô cảm cần phải bị trả giá
Xã hội VN chưa đủ văn minh, nhiều giá trị xã hội bị đảo lộn, cái ảo, giả dối lên ngôi, còn sự thật, sự tử tế bị nghi ngờ. Bệnh vô cảm rất gần với lòng tham, tội ác, trong khi chúng ta chưa xây dựng được hệ giá trị, luật pháp phải đi trước một bước, phải là công cụ điều chỉnh hành vi của con người. Những người vô cảm phải bị trả giá bằng sự lên án của xã hội, sự trừng phạt về đạo đức hoặc bằng hình phạt lao động công ích… Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường giáo dục tuyên truyền về đạo đức, lối sống.
TS Nguyễn Tuấn Anh, Phòng Nghiên cứu văn hóa - lối sống thanh niên (Viện Nghiên cứu thanh niên): Kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ
Để triệt tiêu thói vô cảm, theo tôi, cần giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho người dân. Thứ hai, cần giáo dục ý thức trách nhiệm xã hội, hình thành trong mỗi người thái độ và hành vi sống tích cực; luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác trong mọi tình huống. Thứ ba, cần có chế tài bảo vệ cho người dân để họ không thấy lo sợ khi giúp đỡ người khác. Bên cạnh đó, rất cần trang bị cho người dân kỹ năng, thói quen kêu gọi, huy động sự tham gia của nhiều người khác vào các hoạt động giúp đỡ. Nhiều người tham gia cùng sẽ giúp giảm nguy cơ họ gặp phải các vấn đề như: bị đánh hoặc sa vào các bẫy lừa đảo. Đồng thời, pháp luật nên có quy định về quyền lợi, bên cạnh nghĩa vụ đối với những người thực hiện các hành vi có ích cho xã hội.
Đại tá Trần Sơn, cựu Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT - Bộ Công an: Công an nên đến tận nhà nhân chứng xin lời khai
Theo điều 38 luật Giao thông đường bộ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT, người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất...
Cơ quan công an khi điều tra vụ án có quyền viết giấy mời với người làm chứng, mời người đó đến cơ quan công an để lấy lời khai giúp làm sáng tỏ vụ án, giúp điều tra làm rõ nguyên nhân, lỗi của những người liên quan theo quy định. Tuy nhiên, quá trình làm việc nên nhẹ nhàng và tôn trọng, không nên như hỏi cung hay nặng nề khiến người tốt có cảm giác mình như tội phạm. CQĐT có thể thông qua người này người kia để có số nhà, số điện thoại để đến tận nhà ghi lời khai, hoặc ghi giấy mời, giấy triệu tập đến cơ quan công an, làm sao để họ thấy đó chỉ là việc phối hợp điều tra.
Người lạ đưa nạn nhân vào BV cấp cứu cần khai gì ?Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc BV đa khoa Sài Gòn, nếu người đi đường đưa nạn nhân vào thì BV chỉ lo tập trung cấp cứu bệnh nhân, không bàn đến chuyện tiền bạc. Còn bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết người đi đường đưa người bị nạn đến BV nhưng nạn nhân không tỉnh thì cần khai họ tên, địa chỉ của mình. Tuy nhiên, khai thông tin cá nhân là khai tự nguyện chứ BV không được quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân của người đưa nạn nhân vào.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, khi tiếp nhận một cuộc gọi cấp cứu thì trung tâm chính sẽ chuyển đến trung tâm cấp cứu vệ tinh 115 gần hiện trường nhất. Một ca cấp cứu từ khi nhận cuộc gọi đến hiện trường nhanh nhất là 5 phút, nếu ở xa hơn thì 15 - 20 phút.
|
Tài xế taxi rẽ trái nhưng không bật đèn xi nhan
|
Hãy thử đặt niềm tin lẫn nhauMình từng một lần cũng vì tin người nên đã bị lừa lấy hết đồ, và xã hội hiện nay quá nhiều sự việc như vậy nên cũng khiến chúng ta sợ. Nhưng, sự vô cảm cũng là do ta tạo ra chứ đừng đổ thừa cho xã hội. Nếu ai cũng hãy sống tốt, cứ thử đặt niềm tin lẫn nhau thì cái xấu và sự vô cảm sẽ dần bị đẩy lùi.
Trần Thị Mỹ Ngọc (sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Tính mạng con người nên đặt lên trên hết !Là một người học và hành nghề y, tôi luôn đặt mạng sống của con người lên trên hết. Khi chúng ta cứu giúp được ai đó, niềm vui của chúng ta sẽ được nhân lên gấp bội. Sau này biết đâu trong cuộc sống, ta cũng lâm phải cảnh hoạn nạn, và sẽ được mọi người ra tay cứu giúp chứ không phải nhận về sự thờ ơ và vô cảm như trong câu chuyện này.
Huỳnh Thị Minh Hằng (Cựu sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế)
Cần trau dồi kỹ năng xử lý tình huốngNhững thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng như nhận biết sự việc, sơ cứu hay cách thức liên lạc với đơn vị trợ giúp cũng là vấn đề khiến người ta nhút nhát, ái ngại khi muốn hỗ trợ một ai đó. Thay vì trách móc xã hội ngày càng vô cảm, tôi nghĩ chúng ta có thể nâng cao lòng vị tha, tinh thần đùm bọc bằng các giải pháp giáo dục ý thức, trau dồi sự hiểu biết và kỹ năng cho cộng đồng.
Nguyễn Hoàng An (Đại biểu Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản 2018)
Nữ Vương (ghi)
|
Bình luận (0)