Đa dạng mô hình
Thư viện tư nhân Dương Liễu (H.Hoài Đức, Hà Nội) vừa bước vào sinh nhật lần thứ 7. Thư viện hiện có 5.000 đầu sách, hơn 2.300 thẻ đọc, trong đó 95% là trẻ em từ 7 - 15 tuổi. Thư viện có 70 tình nguyện viên, mỗi tuần có 200 lượt người mượn sách. “Thêm một tuổi mới hy vọng thư viện Dương Liễu sẽ có thêm những cuốn sách hay, những hoạt động bổ ích mới cho các bạn nhỏ. Sinh nhật vui vẻ!”, độc giả Phương Ly viết lời chúc mừng sớm gửi tới thư viện trên Facebook, bày tỏ sự quan tâm của mình.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL), cho biết thư viện Dương Liễu là một trong những thư viện tư nhân thành công, đông người đọc và có nhiều hoạt động bổ trợ để thu hút cộng đồng. Cùng với thư viện Dương Liễu, còn có nhiều mô hình khác đáng chú ý như không gian đọc Hoa Cương ở Nghệ An - kết hợp với mô hình bảo tàng đồng quê. Mô hình Ngôi nhà Trí tuệ cung cấp không gian vừa học vừa chơi hướng tới học tập suốt đời được tổ chức tại Nghệ An, Bình Dương…
Bà Ngà cho biết thư viện tư nhân có cách chọn và khả năng chọn sách khác nhau. “Cách chọn sách tùy từng chủ thư viện tư nhân. Có những thư viện chọn sách rất kỹ, theo chủ đề rất rõ. Như thư viện của thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng có trọng tâm là về chiến tranh VN, tuy vẫn có sách đại trà. Ở TP.HCM, có một nhà thiết kế đô thị lại tổ chức thư viện tư nhân với nội dung sách, tư liệu chuyên về thiết kế đô thị. Không gian đọc TM của bà Hồng Nhung ở Hòa Bình cũng chọn sách rất kỹ, bà Ngà nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Ngà, các thư viện này phần lớn đều có nội dung chủ yếu là sách nuôi dạy con, sách chăm sóc sức khỏe, văn học. “Có nghĩa là cơ cấu tủ sách nặng về nhu cầu đại chúng, đơn giản, giải trí và một ít kỹ năng mềm. Có một số nơi có nhu cầu về luật pháp nhưng cũng không sâu”, bà Ngà nhận định.
Để thu hút hơn
Cũng tại thư viện Dương Liễu, các hoạt động được tổ chức khá đa dạng. Chẳng hạn, trong những ngày xảy ra dịch Covid-19, thư viện có thêm hoạt động học thiết kế. Ở đó, những thành viên của ban truyền thông thư viện dạy các tình nguyện viên cách thiết kế banner cho bài viết. Các em nhỏ ngoài đọc sách có thể học đánh cờ, giao lưu tiếng Anh ở đây. Thư viện cũng thông báo về các hoạt động khác của các độc giả, tình nguyện viên để tạo kết nối và làm gương. Tình nguyện viên Minh Hương vừa được nêu gương với tổng điểm khối D là 28, trong đó điểm ngoại ngữ gần như tuyệt đối. Minh Hương là thủ khoa khối D của Trường THPT Vạn Xuân (H.Hoài Đức, Hà Nội).
Bà Thúy Ngà cho biết muốn bạn đọc đến với mình, thư viện phải có hoạt động thu hút: trò chơi, cuộc thi… Việc tổ chức các hoạt động như vậy ở các thư viện nhà nước thường bài bản hơn. “Bên tư nhân ít nơi (trừ Dương Liễu) mở những thư viện cộng đồng. Bản thân họ nếu không có phương thức tốt thì thư viện sau cũng vắng đi”, bà nói.
|
Những năm gần đây, ngành thư viện có chủ trương khi thư viện tư nhân ra đời thì thư viện tỉnh, thư viện huyện phải chủ động đến giúp họ. “Giúp hai việc. Một là nhận luân chuyển sách thường xuyên, hai là giúp về mặt nghiệp vụ. Chính vì thế, vài năm nay thư viện tư nhân có bước phát triển tương đối tốt. Riêng dịp vừa rồi chúng tôi cũng xin 20 tủ sách, mỗi tủ 5 triệu đồng cho các thư viện tư nhân và cộng đồng”, bà Ngà chia sẻ.
Hiện tại, các thư viện tư nhân có thời gian hoạt động khác nhau. Có nơi cho đọc 4 buổi/tuần, có nơi 3 hoặc 2. Hiếm có thư viện mở cửa hằng ngày. Các thư viện tư nhân cũng không thu phí, trừ thư viện của tướng Nguyễn Văn Hưởng thu 150.000 đồng/năm. “Họ có ưu điểm là rất gần với cộng đồng do ở ngay trong khu dân cư. Chính vì thế, các thư viện tư nhân là điểm điền vào chỗ trống thư viện, tạo thành hệ thống thư viện công - tư song song”, bà nói.
Ông Nguyễn Quang Thạch, người nhiều năm đeo đuổi phát triển văn hóa đọc và “sách hóa” nông thôn, cho biết: “Tôi nghĩ việc cấp phép cho thư viện tư nhân nên thoải mái hơn. Hiện tại, nhiều thư viện trong cộng đồng phát triển rất tốt. Tuy nhiên, theo tôi, thư viện tư nhân nên có hàm nghĩa kinh doanh nữa. Hiện chưa có ai ở nước ta bỏ tiền kinh doanh thư viện cả”.
|
Bình luận (0)