Để tiếng còi cứu thương được tôn trọng

13/06/2022 06:02 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải giáo dục tài xế xe cứu thương để họ ý thức được quyền ưu tiên của xe cứu thương là ở đâu, lúc nào

TP.HCM là trung tâm y tế lớn của phía Nam, tập trung nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên khoa sâu, chuyên gia y tế có tay nghề cao. Vì vậy, không chỉ người dân các tỉnh phía Nam mà nhiều người ở một số nước láng giềng cũng đến khám, chữa bệnh, cấp cứu tại TP này. Không thể phủ nhận phương tiện cấp cứu thiếu thốn do nguồn lực công còn hạn chế, từ đó xe cứu thương tư nhân, xe cứu thương hợp tác công - tư ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Nhiều xe cứu thương đăng ký ở các tỉnh cũng đến, len lỏi khắp đường phố để vận chuyển bệnh nhân.

Một xe cứu thương vận chuyển người bệnh không phải cấp cứu nhưng vẫn đi ngược chiều, vượt đèn đỏ

TRẦN KHA

Người dân thành phố hầu như ai cũng quen việc giữa đêm khuya hay chiều nắng, đường vắng hay kẹt thì xe cứu thương vẫn cứ mở đèn, hụ còi ưu tiên lao vun vún.

Đa số người lưu thông nghe tiếng còi xe cứu thương là tìm cách né, nép vào lề để nhường đường…

Xe cứu thương được quyền ưu tiên khi thực sự đi cấp cứu, cứu nạn, như ông bà ta vẫn nói “cứu người như cứu lửa”. Nhưng, quá trình PV Thanh Niên tìm hiểu, bám theo nhiều xe cứu thương tư nhân, thì thấy được rằng nhiều tài xế xe cứu thương đã quá lạm dụng quyền ưu tiên, dùng xe cứu thương di chuyển một bệnh nhân chuyển viện thông thường, hay đi khám bệnh trong tình trạng không cần cấp cứu, vẫn cứ bật đèn nháy, hụ còi, chạy ngược chiều giành quyền ưu tiên… khiến người đi đường bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải giáo dục tài xế xe cứu thương để họ ý thức được quyền ưu tiên của xe cứu thương là ở đâu, lúc nào; không phải cứ ngồi lên xe cứu thương là nghiễm nhiên được ưu tiên rồi muốn bật đèn, hụ còi chạy bất chấp đường sá ra sao để đạt mục đích cá nhân.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải “siết” lại quy định cấp phù hiệu, còi, đèn cho xe cứu thương. Nên chăng, cần phân biệt 2 loại hình xe cứu thương dùng cho vận chuyển bệnh nhân cấp cứu và một loại xe khác là vận chuyển bệnh nhân thông thường (không được trang bị đèn, còi ưu tiên) như PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, từng đề xuất?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.