Để TP.HCM phát triển xứng tầm 'giàu có'

26/09/2022 04:20 GMT+7

Mới đây, trong chuyến làm việc tại TP.HCM cùng với đoàn công tác của T.Ư Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý Thành ủy TP.HCM về mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố “giàu có”.

Không chỉ là giàu có tiền bạc, vật chất, mà còn phải giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên. Đó là yêu cầu về sự cân bằng và bền vững trên hành trình phát triển của một đô thị giữ vị thế quan trọng trong bản đồ phát triển của đất nước.

Nhưng chắc chắn, để thực hiện được mục tiêu “giàu có” mà Tổng bí thư chỉ đạo thì TP.HCM phải vượt qua không ít những quy định bất cập, thậm chí bất cập đến mức nghiệt ngã. Đơn cử như chuyện hàng loạt dự án văn hóa - thể thao của TP.HCM lâm tình trạng “đói” vốn. Nhu cầu phát triển cơ sở vật chất văn hóa - thể thao của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 cần đầu tư 53 dự án, nhưng chỉ được ghi vốn 9 dự án. Chính quyền thành phố kỳ vọng vào các phương thức xã hội hóa để huy động nguồn lực ngoài ngân sách, nhưng 11 dự án hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa - thể thao của thành phố đều bị dừng lại vì quy định của luật Đầu tư không cho phép áp dụng phương thức PPP trong hai lĩnh vực này.

Vậy là để vượt qua “điểm nghẽn” này, TP.HCM chỉ có thể trông chờ vào ít nhất một trong hai điều chỉnh quan trọng về chính sách quản lý. Hoặc là điều chỉnh tăng tỷ lệ giữ lại nguồn thu ngân sách để đảm bảo các nhu cầu đầu tư và tái đầu tư phát triển thành phố. Hoặc là cho phép TP.HCM được hưởng cơ chế đặc thù, trong trường hợp này là cho phép áp dụng phương thức PPP để huy động nguồn vốn tư nhân thực hiện dự án văn hóa - thể thao trọng điểm.

Vấn đề điều chỉnh tăng tỷ lệ giữ lại nguồn thu ngân sách cho TP.HCM đến nay đã là cấp bách, vì thực tế cho thấy việc thiếu ngân sách đã khiến thành phố buộc phải chọn con đường phát triển không cân đối và ít bền vững. Đơn cử, tỷ lệ đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn hóa - thể thao ở TP.HCM rất thấp, mất cân đối so với những lĩnh vực khác. Cũng có nghĩa là, đúng như nhiều người dân than phiền trên mạng xã hội, TP.HCM giờ chỉ là “đất làm ăn” chứ người dân thành phố gần như không có “chỗ chơi” cho đàng hoàng.

Một thành phố mà trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19 đầy thách thức đã đạt mức thu 350.000 tỉ đồng chỉ trong 9 tháng năm 2022, nhưng lại là nơi luôn “đói vốn” để phát triển xứng tầm hơn là nghịch lý. Sớm xóa bỏ nghịch lý này cũng là sớm tạo thêm động lực cho TP.HCM phát triển, bởi khi thành phố phát triển mạnh mẽ hơn thì nguồn lực đóng góp cho ngân sách quốc gia cũng sẽ nhiều hơn.

Còn chuyện cơ chế đặc thù cho TP.HCM cũng nên được hiện thực hóa thật cụ thể, trao cơ chế riêng cho phép áp dụng PPP để huy động nguồn lực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực văn hóa - thể thao.

Điều đó đúng như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mỗi người dân thành phố đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng TP.HCM thành một thành phố “giàu có””.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.