Để tránh bị quỵt nợ, DN nên mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu

31/07/2012 16:24 GMT+7

(TNO) Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - cho biết doanh nghiệp xuất khẩu nên tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để tránh bị đối tác quỵt nợ.

(TNO) “Kinh tế khó khăn, nguồn tiền có hạn nên nhiều đối tác nhập khẩu có xu hướng mua hàng nhưng trả tiền chậm. Để tránh bị quỵt tiền, doanh nghiệp (DN) nên tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu”, ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - khẳng định như vậy với Thanh Niên Online vào ngày 31.7.

* Hiệp hội có thống kê những khó khăn, sự cố mà DN xuất khẩu thường mắc phải hay không?

- Chúng tôi chưa thống kê được nhưng đang động viên DN cố gắng tìm khách hàng mới bằng cách bán hàng cho phép trả chậm và tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Bộ Công thương, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức nhiều hội nghị nói về hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

DN khi đã mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu thì có thể yên tâm là hàng mình dù bán trả tiền chậm nhưng chắc chắn sẽ được thanh toán. Việc bán hàng trả tiền chậm là để tạo cơ hội cho DN tìm thêm những thị trường mới, khách hàng mới. Một ngày nào đó, thị trường truyền thống có rủi ro, DN trong nước cũng có thị trường mới thay thế.

 
Ông Phùng Đắc Lộc - Ảnh: Trung Hiếu

* Tại sao mặc dù đã được Chính phủ đồng ý và cho làm thí điểm mấy năm nay nhưng DN chưa mặn mà với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu?

- Một phần DN chưa hiểu được ý nghĩa của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Từ đó họ chưa chủ động đàm phán cho đối tác nhập khẩu nợ tiền hàng. Năng lực tài chính của DN Việt Nam rất hạn chế, nếu cho DN nước ngoài vay nữa thì không có vốn. Nhưng nếu có bảo hiểm tín dụng xuất khẩu bảo lãnh thì DN chắc chắn thu được tiền hàng. Để DN hiểu, có lẽ cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp nhiều thông tin hơn.

* Hiệp hội có thống kê về việc DN sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu không?

- Năm 2011, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa với giá trị hơn 100 tỉ USD, xuất khẩu hơn 96 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo thống kê, mới chỉ có khoảng 50 triệu USD tiền hàng hóa được DN mua bảo hiểm xuất khẩu với mức phí 1,3 tỉ đồng. Đây là con số quá khiêm tốn.

 
Bảo hiểm tín dụng sẽ tránh rủi ro cho DN - Ảnh: Trung Hiếu

* Nhưng DN ngại mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vì muốn cắt giảm chi phí để bán hàng với giá rẻ nhất, ông nghĩ sao về thực tế này?

 

Hiện nay DN Việt Nam đang dẫn đầu xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như gạo, thủy sản, gỗ, cà phê, điều, tiêu… Kinh tế khó khăn thì việc đối tác nhập khẩu mua hàng rồi quỵt nợ, không trả tiền là điều rất dễ xảy ra.

Bà Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TP.HCM
- DN phải tính toán để hàng tồn kho hay trả phí bảo hiểm nhưng hàng bán chạy hơn. Tôi tin chắc rằng việc bán hàng 50 triệu USD (tương đương 1.000 tỉ đồng - PV) một cách nhanh chóng, an toàn mà DN chỉ mất 1,3 tỉ đồng là biện pháp tốt hơn chứ. Trong tình hình thị trường khó khăn như thế này, việc bán hàng nhanh, lại được bảo lãnh về thanh toán sẽ không còn gì bằng. Nếu bên mua hàng không trả tiền thì công ty bảo hiểm sẽ thanh toán toàn bộ số tiền cho DN.

* Như ông đã nói việc mua hàng trả tiền chậm là xu hướng mà nhiều nước đang áp dụng?

- Toàn thế giới đều áp dụng, từ các nước phát triển lẫn các nước chưa phát triển. Chưa nói đâu xa, vừa qua Việt Nam mua một loạt máy bay Boeing, Airbus cũng trả tiền chậm. Trong trường hợp này, chính bên bán phải thu xếp hợp đồng tín dụng cho Việt Nam.

* Tại sao lại có xu hướng này khi bán hàng trả tiền liền có hiệu quả và an toàn hơn cho DN?

- Với một mặt hàng mới chưa biết nhu cầu của thị trường ra sao, chất lượng thế nào thì DN cũng e ngại khi mua hàng.

Cho nên nếu được mua chịu, họ sẽ mua hàng, khi nào bán được hàng sẽ trả sau.

Cũng có DN biết nhu cầu của mặt hàng rất tiềm năng nhưng lúc đó họ chưa có đủ tiền. Từ đó cần thiết DN bán hàng phải tham gia bảo hiểm tín dụng để được bảo đảm tiền sẽ được thanh toán.

- Xin cảm ơn ông! 

Hiện có 7 DN được Bộ Tài chính triển khai thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty bảo hiểm PVI, Công ty liên doanh bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine, Công ty bảo hiểm QBE Việt Nam, Công ty TNHH bảo hiểm Chartis Việt Nam và Công ty bảo hiểm Liên hiệp.

DN khi tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bao gồm 23 mặt hàng, sẽ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.

 Trung Hiếu

>> Bảo hiểm hủy hợp đồng khi xe gặp nạn
>> Nông nghiệp được trả bảo hiểm
>> Bảo hiểm gây khó, thủy thủ lâm nguy
>> Doanh thu phí bảo hiểm tăng 17,84%
>> Chỉ bảo hiểm tiền gửi là đồng Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.