Để trẻ đi máy bay an toàn ngày tết

30/01/2019 15:51 GMT+7

Chị Dương Thùy Trang, 27 tuổi, trú đường Cầu Đất, Hải Phòng vẫn còn hú vía khi nhớ lại tết năm ngoái, tại sân bay Tân Sơn Nhất, vì muốn đi toilet đã gửi người phụ nữ mới quen bế giúp con trai mới 7 tháng tuổi.

Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM những ngày giáp Tết Kỷ Hợi đông nghịt người. Cùng nhiều phụ huynh khác đang bế theo con nhỏ chờ giờ lên máy bay, chúng tôi lắng nghe nhiều câu chuyện của những ông bố bà mẹ về kinh nghiệm họ mang theo con nhỏ trong hành trình về quê đón tết.

Cảnh giác với người lạ mới gặp

Chị Dương Thùy Trang chỉ cậu con trai 19 tháng tuổi đang chạy nhảy với các bạn gần mình và kể, cũng bằng giờ này năm ngoái, hai mẹ con bế nhau về quê ăn tết. Khi đã làm thủ tục xong xuôi, ngồi chờ đến giờ ra máy bay, chị Trang muốn đi toilet, con trai 7 tháng của chị lại đang say ngủ, chị đã nhờ một bà cụ khoảng gần 70 tuổi ngồi bên cạnh bế giúp trong vài phút.
“Trước đó thì tôi cũng nói chuyện khá thân với bà cụ, thấy bà cũng hiền lành dễ mến, cũng nhìn thấy thẻ lên máy bay của bà cụ và nghĩ vào đến đây rồi thì bà cụ không thể đi ra ngoài được. Tôi đi toilet vào, bà cụ trao em bé cho tôi và bảo: “Lần sau con tuyệt đối không được gửi con cho ai lúc ở sân bay, bến xe, nhà ga nhé, trừ người thân của mình thôi. Hôm nay may là gặp bà, nhưng nếu là kẻ gian, lòng tham của họ nổi lên họ bế ngay con của mình đi, giữa biển người ngày tết thế này biết tìm đâu. Tôi cảm ơn bà rối rít và thấy mình đúng là quá vô tâm. Đây cũng là bài học mà các phụ huynh cũng nên nhớ, cần cảnh giác với người lạ ở các nơi công cộng, những ngày tết nơi nào cũng đông đúc hơn ngày thường, nên càng phải cẩn trọng hơn”, chị Trang nói.
Nhà chờ ra máy bay những ngày giáp tết 2019 đông hơn ngày thường Thúy Hằng

Mang theo địu nếu không có người khác hỗ trợ

Chị Trương Thị Phương, 32 tuổi, quê ở huyện Thái Thụy, Thái Bình, bay chuyến bay từ TP.HCM tới Hải Phòng chiều 28.1 cho hay, chiếc địu sẽ là vật dùng vô cùng cần thiết nếu con của bạn dưới 2 tuổi và bạn chỉ di chuyển một mình. “Nếu có địu, mẹ có thể cho con ngủ trên đó, tay có thể xách hành lý, hoặc lúc xuống máy bay có thể bốc dỡ đồ ký gửi từ băng chuyền xuống xe đẩy dễ dàng hơn”.
Cũng theo chị Phương, các phụ huynh cũng nên chuẩn bị một số đồ chơi và một số đồ ăn mà con yêu thích, để sẵn trong các túi nhỏ, dễ dàng lấy ra trong suốt chuyến bay, việc này sẽ giúp cho con chịu khó ngồi chơi, bớt quấy khóc hơn.
Trẻ nhỏ rất dễ mệt mỏi trong những chuyến bay ngày tết Thúy Hằng

Ôm con vào lòng khi máy bay cất hạ cánh

Chị Phạm Đỗ Phương Nga, 39 tuổi, làm việc tại tập đoàn Toray, Nhật Bản cho hay chị nhiều lần bế con gái nhỏ về Việt Nam dịp tết, các chuyến bay từ Tokyo về Hà Nội rất dài nên nếu không có kinh nghiệm, em bé sẽ mệt mỏi, quấy khóc, cả mẹ cũng sẽ mệt theo.
“Khi lên máy bay, tiếp viên hàng không sẽ phát cho mọi người đai an toàn cho cả em bé, mẹ hãy thắt dây an toàn cho cả mẹ, con, lưu ý những lúc máy bay cất cánh, hạ cánh thì ôm con vào lòng, tránh để con cảm thấy sợ hãi”, chị Nga nói.
Chị Nga cho biết, bản thân chị cũng tham khảo nhiều bài viết của các bậc cha mẹ khác, trước khi cho con của mình bay những chuyến đầu tiên từ Nhật Bản về Việt Nam. Kinh nghiệm mà chị Nga học được, đó là nên chọn những hãng bay uy tín, tránh thời gian bị delay (trễ chuyến), có thể bay giờ đêm sẽ tốt hơn (để em bé có thể ngủ nhiều hơn, bớt quấy khóc), hoặc tránh những giờ trẻ nhỏ hay khóc, như buổi chiều… Phụ huynh cũng nên nói với nhân viên quầy làm thủ tục ở mặt đất, ưu tiên sắp xếp chỗ ngồi trên máy bay là hàng ghế đầu để có chỗ để chân rộng hơn, ngồi ở ngoài hành lang, thay vì giữa và sát cửa sổ để có thể di chuyển dễ hơn khi con quấy khóc, tiện lợi hơn nếu cần bế con vào nhà vệ sinh thay tã…
Bà Trần Thị Chiến, 52 tuổi, trú phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, cho biết bà nhiều lần cùng con gái bay từ sân bay Cát Bi vào TP.HCM và chiều ngược lại, thấy rất nhiều em nhỏ khóc không ngừng từ lúc máy bay cất cánh đến khi hạ cánh, vì thay đổi áp suất nên các bé bị ù tai. “Kinh nghiệm của con gái nhà tôi đó là ôm con vào lòng, nếu em bé còn bú mẹ nên cho em bé bú, hoặc cho em bé dùng ti giả, chơi đồ chơi gặm nướu…, khi đó sẽ khiến em bé không có cảm giác bị ù tai, sợ hãi, quấy khóc”, bà Chiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.