Lăng kính bạn đọc:

Để trị nạn 'lạm dụng sao y'

M.Giao
(tổng hợp)
11/11/2024 05:52 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc bức xúc trước tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp lạm dụng giấy tờ sao y, cho rằng việc này không chỉ gây phiền phức mà còn lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức...

Như Thanh Niên đã thông tin, chỉ qua ghi nhận trong một buổi chiều, gần chục người đến bộ phận một cửa UBND P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) làm thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính (còn gọi là sao y) giấy tờ để nộp hồ sơ xin việc, thực tập hoặc bổ sung văn bằng cho công ty. Bà Hồ Thị Cẩm Hồng (58 tuổi, ở P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức) dự định xin làm bảo vệ chung cư ở gần nhà, công ty đòi bản photo CCCD được phường chứng thực nên bà phải xin nghỉ việc một buổi để hoàn thiện hồ sơ. Người phụ nữ này nhẩm tính tiền lương bị trừ hơn 150.000 đồng, tiền xăng xe khoảng 50.000 đồng, phí sao y 2.000 đồng/mặt. "Tôi thường sao y giấy tờ thành 5 - 6 bản để dành dùng dần vì nộp hồ sơ xin việc xong là công ty giữ, không trả lại để mình đem xin việc chỗ khác", bà Hồng nói.

Để trị nạn 'lạm dụng sao y'- Ảnh 1.

Tình trạng lạm dụng giấy tờ sao y gây tốn kém tiền bạc của người dân, doanh nghiệp cũng như thời gian của công chức

ẢNH: Sỹ Đông

Dù in nhiều bản để dành, nhưng bà Hồng cũng từng gặp "trái đắng" khi nộp hồ sơ, công ty yêu cầu giấy tờ phải còn thời hạn dưới 6 tháng dù cùng là thẻ CCCD. Đối với doanh nghiệp (DN), khi sao y giấy tờ số lượng lớn thì khoản lệ phí phải nộp lên đến hàng trăm ngàn đồng, thậm chí cả tiền triệu.

Ông Lê Ngọc Tình, Phó trưởng phòng Công chứng số 2 (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết: "Theo tôi, việc yêu cầu bản sao chứng thực từ bản chính chỉ trong vòng 6 tháng là trái luật, gây tốn kém và lãng phí vô cùng. Bởi pháp luật hiện hành không quy định về thời hạn sử dụng của bản sao có chứng thực có giá trị trong bao lâu".

Lãng phí lớn

"Mới đây chẳng biết vì lý do gì công ty tôi yêu cầu nộp lại bằng cấp liên quan (mặc dù trước đây tôi đã nộp đầy đủ), làm tôi phải mất thời gian tìm lại bằng cấp 3, bằng tốt nghiệp đại học (2 bằng) và các chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ... Để "chắc ăn", tôi ra photo mỗi thứ 10 bản luôn (trừ hao bên sao y giữ lại 1 bản, nộp công ty 2 bản, sau này có nộp đâu nữa thì có sẵn). Mất bao nhiêu là thời gian để chờ photo, sau đó chạy lên phường để sao y, phải chờ vì có cả chục người đang chờ, rồi đóng tiền nữa… Làm các thứ xong thì gặp thằng bạn, hỏi sao sao y nhiều vậy, tôi nói để dành đó, sau này cần thì nộp tiếp, đỡ mất công đi làm. Nó cười: "Sao y chỉ có giá trị 6 tháng à. Sau này vẫn phải đi sao y lại". Tôi nghe xong mà muốn xỉu…", bạn đọc (BĐ) N.Ngoc Van bức xúc kể.

Cùng ý kiến, BĐ The Minh cũng cho biết: "Mỗi khi cần sao y, chứng thực này nọ, phải xin nghỉ cả buổi để đi làm. Mà đường phố thì thường xuyên ùn tắc, đi mà cứ lo làm không kịp, phải dây qua buổi chiều thì càng khổ. Có hôm ra phường photo gặp máy bị trục trặc, vậy là phải chạy tìm tiệm photo khác, quá phiền. Tôi thấy việc sao y quá lãng phí, vì ai cũng phải làm nhiều bản, rồi chờ đợi, đóng phí… Nhân viên ở phường làm sao y chứng thực cũng mệt mỏi vì quá nhiều".

Trong khi đó, BĐ Van Dong Nguyen kể về trường hợp của mình, rất đáng lưu ý: "Tôi làm công ty tư nhân có 200 nhân viên. Lúc xin vào làm chỉ mang sơ yếu lý lịch và đơn xin việc chưa chứng thực, khi được nhận thì nộp sơ yếu lý lịch có chứng thực để biết chắc chắn tôi đang thường trú ở đâu, còn các giấy tờ khác nộp bản photo kèm bản chính để so, sau đó công ty trả bản chính lại. Chuyện này giúp những người đi xin việc rất nhiều, tiết kiệm được thời gian đi chứng thực và tiền bạc".

Làm sao để tiện lợi cho người dân ?

Làm sao để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp về sao y chứng thực? BĐ Thanh Nguyên đề nghị: "Mong mọi chuyện đều phải thống nhất thực hiện. Cần kiểm tra, xử phạt những đơn vị lạm dụng sao y, gây phiền phức cho người dân". BĐ Trấn Thành 77 góp ý: "Cần tuyên truyền và xử phạt thật nặng một vài đơn vị và nêu tên công khai về việc chỉ chấp nhận bản sao y có giá trị dưới 6 tháng. Tôi đi cập nhật hồ sơ bên BHXH, họ cũng yêu cầu phải đi chứng thực lại vì bản sao quá 6 tháng, họ giải thích là quy định như vậy, nhưng quy định nào thì không nói, không lẽ cãi nhau, đành chấp nhận đi chứng thực lại cả đống giấy tờ".

"Tôi đề nghị các cơ quan nên liên thông dữ liệu với nhau, cũng như cho tích hợp tất cả vào app VNeID. Hiện nay app này đã có căn cước, giấy đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội, thông tin cư trú… nên thêm các thông tin về bằng cấp học hành, giấy tờ nhà đất… Nói chung là khi cần dữ liệu của người nào thì chỉ cần vào VNeID là có đủ. Được như vậy thật sự tiện lợi cho người dân và nhà nước. Mong sớm tích hợp được tất cả", BĐ Hoa Khai ý kiến.

Đề nghị bãi bỏ các quy định lạc hậu, làm phiền hà, tốn kém cho dân quá. Khi nộp, người tiếp nhận chỉ cần đối chiếu với bản chính là đủ rồi.

Duc Nguyen

Ai cũng biết, cũng hiểu là vô lý, lãng phí. Nhưng sao vẫn có nơi lạm dụng?

Tân Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.