Để trọn niềm vui tăng lương

13/07/2023 07:45 GMT+7

Sau hơn 3 năm chờ đợi, người lao động cuối cùng cũng chính thức được tăng lương cơ sở từ nửa tháng nay. Nhưng niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu khoản thu nhập tăng thêm này không bị chính sách thuế thu nhập cá nhân lạc hậu làm "lẹm" đi một phần.

Thực ra nói "một phần" vẫn là chưa tính đúng tính đủ nếu nhìn lại những tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động suốt mấy năm qua. Nếu chỉ tính từ lần điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) gần nhất năm 2020 đến nay thì thu nhập của người đóng thuế bị "lẹm" đi ít nhất 3 lần.

Lần đầu tiên là do chính sách thuế lạc hậu ngay trong lần điều chỉnh này. Ở thời điểm đó, với mức chiết trừ gia cảnh 11 triệu đồng cho người nộp thuế và 4,6 triệu đồng cho người phụ thuộc đã được chứng minh là không đủ chi trả cho cuộc sống, nhất là ở các TP lớn trên cả nước. Thế nhưng cơ quan thuế cứ "kệ" và tất nhiên, người đóng thuế phải chịu thiệt thòi.

Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, mặt bằng giá cả trên thị trường bị đội lên nhiều lần do dịch bệnh Covid-19 cũng như chiến sự Ukraine - Nga gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Quãng thời gian đó, rất nhiều kiến nghị, đề xuất điều chỉnh chính sách thuế TNCN nhằm chia sẻ khó khăn với người đóng thuế nhưng Bộ Tài chính kiên quyết không chấp nhận.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa rồi, nhiều đại biểu cũng lên tiếng yêu cầu xem xét, tính toán lại các ngưỡng thuế vì thu nhập của người làm công ăn lương hiện không đủ chi trả sinh hoạt cơ bản mà vẫn phải đóng thuế nhưng cũng không ăn thua. Hàng hóa đắt đỏ nhưng thuế không điều chỉnh, thu nhập của người làm công ăn lương một cách tất yếu bị teo tóp thêm lần nữa.

Mới nhất, sau hơn 3 năm chờ đợi, lương cơ sở chính thức tăng từ ngày 1.7 vừa rồi. Lương tăng trong khi thuế đứng yên nên khoản tiền đóng thuế đương nhiên tăng. Thu nhập bị hụt đi lần thứ ba. Nói niềm vui không trọn vẹn là như vậy.

Ngay lúc này, thị trường đang đứng trước viễn cảnh thiết lập mặt bằng giá mới khi điện tăng, xăng tăng, giá học phí, viện phí, cước phí, nước sinh hoạt... đều đã hoặc sắp tăng. Chưa kể thịt, gạo, rau trái cho đến ổ bánh mì, tô hủ tiếu cũng chỉ tăng không giảm. Ở chiều ngược lại, dù lương tăng nhưng do khó khăn đơn hàng, nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp. Nên chuyện gồng gánh thêm nhân khẩu không còn thu nhập hay thu nhập giảm trong mỗi gia đình ngày càng trở nên phổ biến. 

Trong bối cảnh đó, một vài trăm, thậm chí vài chục ngàn cũng là quý với người lao động. Chính sách thuế nếu chưa thể "khoan sức dân" bằng cách giãn, giảm, miễn thì ít nhất cũng phải phù hợp với thị trường chứ không thể lạc hậu đến mức làm teo tóp thu nhập của người làm công ăn lương như hiện nay.

Nhìn rộng hơn, thuế TNCN còn phải đồng bộ, cộng hưởng với chính sách khác để phục vụ mục tiêu chung của nền kinh tế. Ở giai đoạn hiện nay, kích thích tiêu dùng, tăng sức mua đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, chính quyền các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Từ thúc đẩy đầu tư công, giảm lãi vay, áp dụng chính sách tài khóa, tiền tệ cho đến thực hiện các chương trình siêu khuyến mại... đều được thực hiện quyết liệt. Nhưng như nói trên, chỉ riêng thuế TNCN dù đã lạc hậu thì vẫn "cố thủ" chưa điều chỉnh...

Vì tất cả những lý do trên, việc cấp bách điều chỉnh thuế TNCN không chỉ trả lại công bằng với người đóng thuế, thể hiện chia sẻ của Nhà nước với người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cũng để niềm vui tăng lương sau 3 năm chờ đợi được trọn vẹn hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.