MẶC CẢM LÀ TRUNG TÂM CHỨ KHÔNG PHẢI "TRƯỜNG"
Một số phụ huynh biết rõ học lực của con mình, chủ động tìm kiếm trung tâm GDNN-GDTX, nhưng vấp phải sự phản đối từ con em mình.
"Con gái rớt hết 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập, qua tìm hiểu và được người thân tư vấn, tôi đề xuất con theo GDTX vì mẹ không đủ khả năng tài chính cho con học trường THPT tư thục. Nhưng ban đầu cháu mặc cảm, phản đối với lý do thông tin trên mạng xã hội cho rằng học GDTX là học bổ túc văn hóa. Giữa mẹ và con cũng xảy ra căng thẳng", chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ.
Khuyên nhủ hết lời nhưng con không nghe nên chị Hoa nói: "Mẹ để con lựa chọn giữa GDTX, học nghề hoặc nghỉ học" và giữ im lặng. Con gái tiếp tục tìm hiểu thông tin trên mạng và sau đó chọn GDTX. "Khi vào học ổn định rồi, con có thể tham khảo thông tin để định hướng học thêm nghề sau này", phụ huynh nói trong lúc nộp hồ sơ cho con vào Trung tâm GDNN-GDTX Q.Phú Nhuận (TP.HCM).
Bên cạnh đó, một số học sinh (HS) mặc cảm, tự ti rớt lớp 10 công lập nên xin cha mẹ cho con được học trường THPT tư thục. Tuy nhiên, phụ huynh không thể gồng gánh chi phí suốt 3 năm nên chuyển con sang trung tâm GDTX.
Chị Đặng Thị Xưa (ngụ Q.Phú Nhuận), có con gái năm nay lên lớp 12 tại một trường THPT tư thục, đã đến nộp hồ sơ chuyển sang Trung tâm GDTX Q.Phú Nhuận vào ngày 11.7.
"Khi con gái rớt hết nguyện vọng lớp 10 công lập, tôi định hướng học GDTX nhưng con mặc cảm với bạn bè, xin mẹ cho học ở trường THPT tư thục. Tuy nhiên, học phí lớp 12 tăng cao (hơn 10 triệu đồng/tháng) giữa lúc kinh tế gia đình gặp khó khăn. Tôi phải nuôi 3 đứa con (con cả học tại một trường ĐH tư thục) nên tôi khuyên con gái chuyển sang GDTX", chị Xưa chia sẻ với PV Thanh Niên. Ngoài ra, không ít phụ huynh chọn GDTX vì con em mình trúng tuyển nguyện vọng 2, 3 ở các trường THPT công lập quá xa nhà.
Tại Trung tâm GDNN-GDTX H.Hóc Môn (TP.HCM), khi đến tư vấn, một số phụ huynh thắc mắc tại sao không gọi trung tâm GDTX là "trường" bởi vì từ "trung tâm" gợi lên suy nghĩ về một thứ gì đó dành cho những học viên không tốt, như trung tâm cai nghiện. Do đó, không ít phụ huynh có con rớt 3 nguyện vọng lớp 10 công lập (hết hy vọng vào đợt xét tuyển bổ sung) xem GDTX là lựa chọn cuối cùng.
BỊ GẮN MÁC NƠI "HỨNG HỌC SINH CÁ BIỆT"
Thời gian này cho đến cuối tháng 8, các trung tâm GDNN-GDTX ở TP.HCM tăng cường đội ngũ tư vấn và nhận hồ sơ xuyên suốt cả tuần. Tại các quận huyện, mỗi ngày hàng chục phụ huynh, HS nộp hồ sơ. Một số trung tâm không nhận thêm hồ sơ vì số lượng đăng ký vượt quá chỉ tiêu.
Tại bàn tư vấn ở Trung tâm GDNN-GDTX H.Hóc Môn ngày 12.7, một nhóm 5 HS ở H.Củ Chi đi cùng nhau đến nộp sơ nhập học. Trong đó có một HS đã học xong lớp 10, nghỉ học nhưng nay đăng ký học lại.
Trao đổi với người tư vấn là thầy Lâm Sơn Trung, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX H.Hóc Môn, nam sinh kể em đã nghỉ học đi làm một thời gian nhưng gần đây được bạn bè "rủ rê" nên quyết định đi học trở lại. Sau khi hướng dẫn nhóm HS điền thông tin, bổ sung giấy tờ còn thiếu, thầy Trung căn dặn các em cố gắng học tập, hoàn thành chương trình.
"Nếu chỉ học xong lớp 9 rồi nghỉ học, thiếu sự quan tâm, định hướng của gia đình thì không biết tương lai của các em sẽ đi đâu, về đâu", thầy Trung chia sẻ với PV Thanh Niên tại bàn tư vấn. Theo thầy Trung, trung tâm GDNN-GDTX có thể được xem là một môi trường giúp các em có cơ hội học văn hóa và học nghề trước khi vào đời.
Tuy nhiên, trung tâm GDNN-GDTX trong mắt một số phụ huynh lẫn HS vẫn còn bị gắn mác là nơi hứng "HS cá biệt", quậy phá, học lực yếu kém, học trò học "bổ túc", ngồi chung với những người lớn tuổi.
NHIỀU THAY ĐỔI NHƯNG ÍT NGƯỜI BIẾT
Trước đây, trung tâm GDTX gắn liền với hình ảnh lớp học bổ túc văn hóa ban đêm, tập trung nhiều học viên cá biệt ở những lứa tuổi khác nhau.
Tuy nhiên, ngày nay, các lớp học tại trung tâm GDTX được phân chia theo độ tuổi phù hợp. Lớp buổi tối thường dành cho những người vừa học vừa làm, buổi sáng dành cho HS độ tuổi thiếu niên.
Thực tế cho thấy hệ thống GDTX ở TP.HCM có cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang hơn và chất lượng giảng dạy nâng cao trong những năm gần đây.
Vào năm 2015, Bộ GD-ĐT gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ thành một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ đó, HS GDTX tham gia kỳ thi chung và được cấp bằng tốt nghiệp THPT chính quy giống như HS phổ thông và có cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ, không còn phân biệt bằng bổ túc văn hóa như trước đây. "HS GDTX cũng được học Chương trình GDPT 2018 giống như trường THPT công lập, nhưng được giảm tải một số nội dung để phù hợp với năng lực", thầy Nguyễn Thanh Hiền, Phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.Phú Nhuận, lưu ý.
Một lợi thế của GDTX là HS có thể vừa học văn hóa, vừa học nghề. Thầy Huỳnh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX H.Hóc Môn, cho biết HS sẽ được học văn hóa 5 ngày/tuần và
2 ngày còn lại đi học nghề (được miễn học phí theo chính sách nhà nước) tại trường trung cấp có liên kết với trung tâm. "Các em chỉ học nghề trong 2 năm lớp 10, 11, được cấp bằng trung cấp nghề chính quy, sau đó có thể học liên thông lên CĐ, ĐH, còn năm lớp 12 sẽ tập trung vào học văn hóa", thầy Vũ cho hay. Sau khi có bằng trung cấp nghề, HS GDTX có thể xin việc tạm thời, vừa học vừa làm.
Bên cạnh đó, học phí GDTX do UBND TP.HCM quy định thấp hơn các trường THPT và tổng các khoản thu bao gồm cả học phí trung bình là khoảng 500.000 đồng/tháng.
Chưa kể, một số trung tâm như Trung tâm GDNN-GDTX Q.Phú Nhuận còn có chính sách học bổng, hỗ trợ HS hoàn cảnh khó khăn. "Ngoài chính sách học bổng của trường, một số thầy cô tự bỏ tiền hỗ trợ học phí cho các em", thầy Hoàng Văn Dũng, trợ lý thanh niên Trung tâm GDNN-GDTX Q.Phú Nhuận, cho hay.
Một điểm mới là năm nay một số trung tâm như Trung tâm GDNN-GDTX Q.Phú Nhuận và Trung tâm GDNN-GDTX H.Hóc Môn mở lớp bán trú để phụ huynh đăng ký.
Bình luận (0)