Để từ chức trở thành điều bình thường

17/02/2022 06:25 GMT+7

PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư, cho rằng chỉ khi từ chức của quan chức trở thành chuyện bình thường trong xã hội, thì mới có thể nói tới việc xây dựng “ văn hóa từ chức”.

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Vũ Văn Phúc (ảnh) khẳng định văn hóa từ chức không phải vấn đề mới.

Gia Hân

“Ở Việt Nam, chúng ta cũng từng chứng kiến khi có những sai lầm trong cải cách ruộng đất, các ông Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt xin rút khỏi Bộ Chính trị. Tổng bí thư Trường Chinh khi đó đã xin từ chức Tổng bí thư”, ông Phúc cho hay.

Theo ông Phúc, từ khi đất nước đổi mới tới nay, nhiều nghị quyết, quy định, luật pháp của Đảng, Nhà nước đề cập tới vấn đề từ chức. Tuy nhiên, thực tế việc từ chức của cán bộ tới nay vẫn là “chuyện hãn hữu”.

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

TTXVN

Cơ chế mở đường cho văn hóa từ chức

Vì sao từ chức lại chưa thể là chuyện bình thường trong cán bộ lãnh đạo quản lý ở nước ta, thưa ông?

Điều này tôi cho trước hết là do tâm lý của người Việt Nam coi rằng việc từ chức là vấn đề gì đó rất ghê gớm, thiệt hại đến danh dự cá nhân. Ở Việt Nam có quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Chức vụ nhiều khi không được nhìn nhận như là vị trí của một cá nhân. Dư luận xã hội vẫn nhìn nhận khá nặng nề đối với việc từ chức.

Bên cạnh đó, chúng ta dù đã có rất nhiều quy định, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề từ chức, song việc thực hiện tốt các quy định để cán bộ “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” là rất khó, và thực tế chưa làm được bao nhiêu.

Một lý do khác, tôi cho là cũng quan trọng chính là do hiện nay vẫn còn tình trạng “chạy chức, chạy quyền”. Những người yếu kém, không đủ phẩm chất năng lực lại thường là những người chạy chức, chạy quyền, lo lót để có được cái ghế. Do đó, cho dù xảy ra sai phạm, hay không đủ năng lực để đáp ứng vị trí công việc, người ta vẫn không dễ gì bỏ cái ghế mà phải mất rất nhiều tiền của mới “chạy” được.

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Ông có nghĩ rằng, với quy định mới này thì việc từ chức của cán bộ trở thành chuyện bình thường?

So với Quy định 260 cách đây 12 năm, thì Quy định 41 vừa được Bộ Chính trị ban hành có nhiều điểm mới. Đầu tiên là phần nguyên tắc của việc từ chức và miễn nhiệm. Quy định 41 ngắn gọn, rõ ràng và “kiên quyết” hơn khi nhấn mạnh: “Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ”; đồng thời “không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”.

Đối với căn cứ để xem xét từ chức, ngoài căn cứ không đủ năng lực, uy tín, Quy định 41 mới ban hành cũng bổ sung 2 căn cứ cụ thể, mang tính định lượng là “để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng” và “có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định”.

Như Thanh Niên số ra ngày 20.1 đã phản ánh, căn cứ Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Quảng Nam là địa phương đầu tiên áp dụng “văn hóa từ chức” vốn còn chưa được phổ biến ở VN. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cần phải nhìn nhận việc từ chức là một cách ứng xử công vụ rất bình thường. Bởi vì, đôi khi cán bộ vì điều kiện gia đình, sức khỏe không đảm bảo thì họ xin nghỉ, việc này cũng tốt vì có thể nhường lại vị trí đó, tạo cơ hội cho người khác làm để đảm nhận tốt hơn công việc chung.

Bên cạnh đó, Quy định 41 cũng bổ sung hẳn 1 điều về căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó có 1 căn cứ để xem xét miễn nhiệm và 2 căn cứ để xem xét cho từ chức đối với người đứng đầu mà chủ yếu là để cơ quan, đơn vị mình quản lý xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Với những căn cứ cụ thể như vậy, một khi cán bộ xét thấy mình vi phạm những điều đã được nêu trong quy định thì buộc phải tự giác xin từ chức. Nếu không tự giác thì phải có cơ chế để buộc anh phải từ chức…

Nhưng để từ chức trở thành chuyện bình thường, thậm chí để trở thành văn hóa như ông nói thì việc từ chức trước hết phải xuất phát từ đạo đức công vụ, từ liêm sỉ, lòng tự trọng của cán bộ chứ không nên coi từ chức như một hình thức kỷ luật?

Để vượt qua những rào cản trên, trước hết cần phải có một cơ chế cụ thể như Quy định 41 để buộc những người mà ta gọi là không còn đủ năng lực, uy tín phải thực hiện việc từ chức. Khi chúng ta thực hiện cơ chế này, lâu dần sẽ hình thành nếp quen, nếp bình thường trong xã hội. Lúc đó, cán bộ cũng tự mình thay đổi trong nhận thức để tự giác nhận trách nhiệm, từ chức khi cảm thấy không còn đủ năng lực, uy tín hay khi ngành mình, lĩnh vực mình quản lý xảy ra sai phạm, tiêu cực nghiêm trọng.

Khi từ chức trở thành văn hóa thì từ chức sẽ trở thành nhu cầu tự thân của cán bộ để giữ lòng tự trọng, giữ liêm sỉ và thanh danh. Anh không từ chức mà để cho tổ chức phải xử lý kỷ luật thì lúc ấy anh mất hết.

Như trường hợp của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, đáng lý, trước Đại hội XIII, nếu thấy mình có sai lầm, khuyết điểm thì không nên nhận đề cử hoặc không ứng cử tham gia Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII. Đằng này, ông Nam đã không chủ động, không tự giác, để đến khi trúng vào Ban Chấp hành T.Ư khóa mới rồi lại bị kỷ luật, thậm chí khai trừ Đảng, khởi tố…

Có xuống thì có lên, có vào thì có ra

Chúng ta đã có nhiều quy định để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành việc bình thường trong công tác cán bộ nhưng lại thiếu quy định để “có xuống thì có lên”, “có ra thì có vào”, mất chức là mất hết nên cán bộ mới “tham quyền cố vị”?

Quy định 41 của Bộ Chính trị cũng bổ sung một quy định mới là việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức. Trong đó, quy định nêu rõ, cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, tiếp tục bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

Tôi cho đây là quy định mới giúp cho việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” và ngược lại trở thành chuyện bình thường trong công tác cán bộ. Lúc này, anh đáp ứng yêu cầu năng lực, trình độ thì anh giữ chức vụ, còn lúc khác anh không đáp ứng được yêu cầu thì tạm rời chức vụ một thời gian và tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, và vẫn có thể được bổ nhiệm trở lại.

Chẳng hạn như cố Tổng bí thư Trường Chinh, do những sai lầm trong cách mạng ruộng đất, ông đã xin từ chức Tổng bí thư. Sau mấy chục năm, trước Đại hội VI, ông lại được tín nhiệm quay trở lại làm Tổng bí thư và chính là người thiết kế đường lối Đổi mới của nước ta tại Đại hội VI, được cán bộ, nhân dân rất khâm phục, ngưỡng mộ. Tôi cho rằng, từ chức, miễn nhiệm phải trở thành một khâu, và là một khâu bình thường trong công tác cán bộ. Khi đó, cán bộ từ chức không còn phải sợ “mất hết” hay không còn cơ hội để quay trở lại.

Chúng ta đã có một cơ chế cụ thể hơn cho việc từ chức, song làm thế nào để không rơi vào tình trạng “nghe ra thì rất là hay nhưng mà thực hiện còn gay trăm bề” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói?

Với Quy định 41 chúng ta thấy đã có sự thống nhất trong Đảng với câu chuyện từ chức của cán bộ. Vấn đề cần làm là thực hiện tốt cơ chế đã có, không hình thức, hời hợt để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đương nhiên muốn làm tốt thì phải làm quyết liệt, từ T.Ư tới địa phương.

Chúng ta thấy, ngay sau khi Quy định 41 được ban hành, Bộ Chính trị đã nêu gương khi quyết định miễn nhiệm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư Nguyễn Thị Kim Tiến khi bà này bị kỷ luật cảnh cáo. Nếu chúng ta làm quyết liệt ngay từ đầu, trước hết là với những cán bộ lãnh đạo, quản lý, thì dần dần cả cán bộ lẫn xã hội sẽ coi từ chức là một việc bình thường, nhẹ nhàng hơn. Khi đó, chúng ta mới có thể nói tới văn hóa từ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.