Để tương xứng với niềm vui metro số 1

24/12/2024 03:53 GMT+7

Trong niềm vui trải nghiệm những chuyến tàu đầu tiên của tuyến metro đầu tiên ở TP.HCM, cũng là lúc phải nghĩ đến những gì nên học, nên làm tiếp theo về văn hóa đi tàu điện để đảm bảo trải nghiệm tốt cho hành khách; đảm bảo an toàn, vệ sinh và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng hiện đại này.

Trước tiên sẽ là những vấn đề liên quan đến hành vi người đi tàu. Sẽ là những chuyện không mấy lạ trong lối hành xử nơi công cộng, như xếp hàng, nhường lối, không chen lấn… Thôi cứ nói luôn là, người đi tàu phải cùng nhau thực hành vài thói quen mà trong văn hóa đi tàu điện sẽ trở nên rất quan trọng.

Đó là đứng chờ ở hai bên cửa, đợi người trong tàu bước ra hết rồi người chờ bên ngoài mới bước vào. Không chen lấn, không đẩy người khác khi lên xuống tàu. Đừng vì vội vã mà cả hai bên "xung phong" cùng một lúc. Những người từng trải nghiệm tàu điện ở nhiều nơi trên thế giới đều sẽ khuyên người sử dụng dịch vụ tàu điện thực hành thói quen đó vì rất nhiều lợi ích liên quan.

Đó là thói quen an toàn và văn minh trên tàu, bao gồm những chuyện như không tựa lưng hoặc đứng sát cửa tàu để tránh nguy cơ tai nạn. Sử dụng tay vịn để đảm bảo luôn giữ được thăng bằng, không gây ảnh hưởng an toàn đến người khác. Không chạm vào các thiết bị khẩn cấp trừ trường hợp cần thiết.

Nhất là thói quen giữ gìn vệ sinh công cộng. Vẫn biết dân gian có câu "ghế ô tô, bô bệnh viện", hàm ý rằng những vật dùng chung nơi công cộng thường sẽ rất mất vệ sinh, nhưng xin đừng vì kiểu nhận thức đó mà mặc nhiên hành xử kiểu giữ sạch cho riêng túi xách, đôi giày, bộ đồ của mình, còn lại thì sẵn sàng bôi bẩn, xả bẩn ra nơi chốn công cộng. Không ăn uống, không xả rác và cố gắng tối đa tránh việc gây mùi nặng.

Đáng mong đợi nhất là lối hành xử cho thấy ý thức cộng đồng, thái độ tôn trọng và tinh thần trách nhiệm công dân. Chủ động nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật. Không nói chuyện to tiếng, không tùy tiện mở thiết bị nghe nhạc với âm thanh loa ngoài làm phiền người khác. Không tùy tiện quay phim, chụp ảnh người khác. Không chiếm chỗ bằng cách đặt túi xách hoặc đồ đạc cá nhân trên ghế ngồi, đặc biệt khi tàu đông người. Khi tàu đông, cố gắng tạo không gian tối đa cho những người xung quanh bằng những hành vi nho nhỏ dễ thương như chủ động tháo ba lô trên vai xuống. Và sẵn sàng giúp đỡ người đi tàu gặp khó khăn nào đó do chưa quen sử dụng tàu điện ngầm.

Đó chỉ mới là những chuyện trên toa tàu. Ở ga tàu, trạm dừng, và cả ở bên ngoài nhà ga nữa, chúng ta cũng sẽ có hàng loạt vấn đề, những yêu cầu hành xử văn minh tương tự.

Để thấy, có được một tuyến metro đầu tiên đã mất hàng chục năm trời. Nhưng để xây dựng được nề nếp văn minh đi tàu điện có thể còn lâu hơn. Nếu chúng ta tự hào rằng thành phố mình cũng đã có tàu điện ngầm như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, thì cũng đừng quên góp sức vào việc xây dựng nề nếp ứng xử văn minh đi tàu điện để tương xứng với họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.