Quy chế tuyển sinh năm 2022 có những thay đổi về mặt kỹ thuật như đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, tất cả các phương thức thí sinh (TS) phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ… với mục đích giúp cho TS đăng ký xét tuyển có định hướng tốt hơn, đồng thời góp phần giảm tình trạng TS ảo.
Tuy nhiên, theo đại diện các trường ĐH, đây là năm đầu tiên thực hiện cách thức tuyển sinh mới nên thực tế cũng xảy ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến TS, như tình trạng đăng ký nhầm mã phương thức xét tuyển, nhầm mã tổ hợp môn và nhầm cả mã ngành, cũng như thứ tự nguyện vọng (NV) đối với các phương thức xét tuyển sớm… Trước thực tế này, đại diện nhiều trường ĐH đưa ra những đề xuất để mùa tuyển sinh năm 2023 thuận lợi hơn cho TS.
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Thiết kế lại phần mềm cho đơn giản, thuận tiện
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho rằng nếu Bộ tiếp tục duy trì cách đăng ký xét tuyển này cho năm 2023, thì nên thiết kế chức năng xác nhận nhập học đối với phương thức xét tuyển sớm song song với đăng ký xét tuyển các NV mới.
Tiến sĩ Duy nói cụ thể: “Nếu TS muốn xác nhận nhập học bằng các NV đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì truy cập chức năng này, lựa chọn một trong các NV đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm để xác nhận nhập học. Sau khi xác nhận nhập học thì chức năng đăng ký NV mới sẽ bị khóa. Trong thời hạn đăng ký xét tuyển, TS được quyền hủy việc xác nhận nhập học để đăng ký NV mới. Tất nhiên, việc xác nhận nhập học đối với NV trúng tuyển sớm phải được thực hiện sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT”.
Theo tiến sĩ Duy, phương án này có ưu điểm là TS không phải đăng ký lại các NV đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm nên không xảy ra tình trạng sai sót, nhầm lẫn trong việc đăng ký, đồng thời cũng giúp các trường và Bộ đơn giản hóa công tác xét tuyển vì chỉ cần xét tuyển và lọc ảo các NV mới, không cần xử lý lại các trường hợp đã xác nhận nhập học và cũng giúp cho các trường ước lượng được kết quả tuyển sinh để xét tuyển đúng chỉ tiêu.
Một phương án khác tiến sĩ Duy đề xuất, đó là vẫn cho TS đăng ký xét tuyển lại các NV đã trúng tuyển sớm. Tuy nhiên cần tách riêng hai chức năng là đăng ký lại các NV đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm và đăng ký thêm NV mới. “Phương án này cũng tránh được trường hợp TS đăng ký nhầm mã phương thức, mã tổ hợp môn đối với các NV đã trúng tuyển sớm. TS chỉ cần lưu ý là đăng ký ở thứ tự NV ưu tiên đúng với mong muốn của bản thân”, tiến sĩ Duy nhận định.
Đây cũng là đề xuất mà trưởng phòng đào tạo một trường ĐH có quy mô vài chục ngàn sinh viên chia sẻ. Vị trưởng phòng này cho hay: “Các trường vẫn đưa dữ liệu danh sách trúng tuyển sớm lên hệ thống, nhưng phần mềm cần hiển thị sẵn dữ liệu để TS chỉ cần đăng nhập vào rồi chọn thứ tự NV chứ không cần phải đăng ký lại từ đầu mã các phương thức, mã ngành, mã tổ hợp nữa. Đồng thời có phần đăng ký NV thêm để TS đăng ký. Như vậy vừa đơn giản, thuận tiện và tránh những sai sót không đáng có”.
Nếu thay đổi thì phải sớm
Trong khi đó, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đánh giá vì đây là năm đầu tiên áp dụng quy chế mới và thời gian tương đối gấp gáp nên TS và các trường chưa quen với sự thay đổi này. “Khi thay đổi một quy trình hay phần mềm trong xét tuyển thì cần có thời gian làm quen, cập nhật, trải nghiệm. Những sai sót mà TS gặp phải đều là do chưa nắm thông tin, chưa được làm quen, phổ biến kỹ càng. Việc xét tuyển trước đây đơn giản hơn, năm nay các em phải lên hệ thống của Bộ để thực hiện toàn bộ quy trình đăng ký NV ở tất cả các phương thức, nộp lệ phí xét tuyển, xác nhận nhập học... nên bối rối, khó khăn”, tiến sĩ Hạ nói.
Bộ không nên can thiệp vào việc dự đoán tỷ lệ ảo và xác nhận nhập học
Theo đại diện các trường ĐH, sau khi có kết quả thi là lọc ảo nhưng việc dự đoán tỷ lệ ảo và xác nhận nhập học là việc của các trường, Bộ không nên quản lý. “Bằng kinh nghiệm hằng năm của mình, các trường sẽ biết được ngành nào có tỷ lệ ảo nhiều, ngành nào ít, từ đó xác định tỷ lệ nhập học là bao nhiêu để có thể đủ chỉ tiêu... Việc này Bộ không thể hiểu bằng các trường. Bộ nên tôn trọng quyền tự chủ trong xét tuyển, nếu không các trường rất bị động và khó khăn”, trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH tại TP.HCM cho biết.
Vì thế, theo tiến sĩ Hạ, Bộ cần có sự ổn định về quy chế xét tuyển để TS được thuận lợi hơn. Nếu có sự thay đổi thì cũng cần có lộ trình để TS có thời gian làm quen và cập nhật, tránh sự bất ngờ, vội vàng, cập rập.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng Bộ nên có quy chế về tuyển sinh 2023 trong tháng 12.2022, vì nếu có quy chế quá trễ sẽ khiến TS hoang mang, lo lắng, chờ đợi đồng thời các trường ĐH cũng rơi vào thế bị động.
“Nên duy trì quy chế tuyển sinh trong khoảng 5 năm, nếu muốn thay đổi thì chỉ thay đổi những gì cần thiết nhất chứ không nên thay đổi quy trình xét tuyển. Trong trường hợp phải thay đổi thì phải có trước một năm để làm quen, cập nhật, thử nghiệm”, theo thạc sĩ Sơn.
Bình luận (0)