Để văn hóa bản địa lên ngôi

09/04/2023 07:14 GMT+7

Thời gian qua, nhiều thứ xa lạ với văn hóa bản địa "lên ngôi" ở các điểm du lịch nổi tiếng. Nhà quản lý sau đó phải có động thái "dọn rác" nhưng cũng có khi không thể.

"Xâm lăng" văn hóa

Ông Nguyễn Ðức Bình, sáng lập viên nhóm Ðình làng Việt (nhóm hoạt động dành cho những người yêu di sản, yêu văn hóa truyền thống thông qua ngôi đình làng), không hề bất ngờ trước những hình ảnh du khách mặc đồ Mông Cổ tại Hà Giang. Ông cho biết: "Những thứ trang phục xa lạ với văn hóa bản địa như thế có đủ ở các di tích rồi. Nhiều di tích khác ở các tỉnh khác cũng có đấy. Ở phố cổ Hà Nội có nhóm mặc đồ cưới Trung Quốc chụp ảnh. Phủ Thành Chương (H.Sóc Sơn, Hà Nội) cũng có những người mặc trang phục kỳ quái vào chụp ảnh. Những quần áo đó dễ mua và người trẻ thì cứ thấy lạ lạ là họ mặc thôi", ông Bình nói.

Để văn hóa bản địa lên ngôi - Ảnh 1.

Trào lưu người trẻ chụp ảnh trong cổ phục cung đình Việt Nam bắt đầu phổ biến

Bin Nguyễn

Trên mạng, không khó tìm các trang phục Mông Cổ hoặc trang phục giống trong các phim cổ trang Trung Quốc để thuê chụp ảnh. Nhiều trang Facebook giới thiệu sản phẩm, đăng ảnh công khai sau khi chụp. Vì thế, trang phục Mông Cổ không chỉ có ở Hà Giang mà còn có ở Cầu Mây (TT.Tam Ðảo, H.Tam Ðảo, Vĩnh Phúc); trang phục váy dài đeo cung nỏ như trong phim cổ trang Trung Quốc cũng được cho thuê tại tỉnh Ninh Bình. Những hình ảnh người trẻ mặc trang phục lạ được đăng công khai để quảng cáo dịch vụ.

Để văn hóa bản địa lên ngôi - Ảnh 1.

Chương trình giao lưu cồng chiêng ở chân núi Lang Biang, Đà Lạt luôn thu hút đông du khách

Xuyên Vân

Trang phục là vậy, những điểm check-in cũng không chịu… thua kém. Các bàn tay "mọc" lên khắp nơi, ví dụ điển hình là bàn tay lạ được xây dựng ở đỉnh đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu). Những biểu tượng văn hóa nước ngoài cũng xuất hiện tại điểm du lịch VN với tỷ lệ sai lệch, méo mó. Vì thế, nhìn tượng nữ thần Tự do được bê về Sa Pa (Lào Cai), nhiều người chỉ biết méo mặt cười. Những bàn tay du lịch thô kệch thì khỏi phải bàn, xấu đến nỗi các kiến trúc sư cảnh quan xót xa cho tài nguyên thiên nhiên của đất nước. "Nó bôi xấu cảnh quan, rồi lại cố tình lấy phong cảnh hùng vĩ làm nền cho mình", kiến trúc sư Vương Ðạo Hoàng, mạng kiến trúc Kiến Việt, chia sẻ về trường hợp bàn tay lạ tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ.

Để văn hóa bản địa lên ngôi - Ảnh 2.

Trang phục lạ ở Ninh Bình (trái) và trang phục Mông Cổ ở Tam Đảo

Chụp màn hình

Với trường hợp bàn tay lạ ở đỉnh đèo Ô Quy Hồ, ông Trần Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lai Châu, cho biết: "Công trình bàn tay ở khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn này do Công ty cổ phần Pusamcap Lai Châu là chủ đầu tư xây dựng. Công trình đã được cấp phép". Theo quy định hiện nay, những công trình như thế này không cần phải xin phép về mặt mỹ thuật, mà chỉ do sở xây dựng cấp phép xây dựng. Tương tự, cũng không thể cấm những hoạt động cho thuê trang phục lạ, không phù hợp văn hóa bản địa tại các điểm du lịch, thậm chí di tích…

Ông Nguyễn Ðức Bình đánh giá những việc như thế này là một cuộc "xâm lăng" văn hóa do chính người trong nước tự làm mà không biết. Ðiều này giống như nhiều năm trước, chúng ta đối diện với "họa sư tử Tàu" tại các công sở, đền chùa. "Nếu trường hợp đó xảy ra thì người quản lý trên địa bàn phải nghĩ cách đừng để nó lan rộng ra, giống như đối với trường hợp sư tử Tàu trước đây. Bên cạnh việc nói không thì còn phải có những mẫu thích hợp để nhân lên, ví dụ những mẫu sư tử Việt được đưa vào", ông Bình nói.

May trang phục, lên thực đơn, tổ chức… xe đạp nước

Ông Nguyễn Ðức Bình cho biết, với những hiện tượng lệch chuẩn văn hóa bản địa, cái cần là cùng nhau tạo ra những sản phẩm đậm nét văn hóa; điều đó thuộc trách nhiệm của nhà quản lý. Họ sẽ làm việc đó trên cơ sở "xây" chứ không phải là cấm đoán.

Ðiều này làm nhớ tới việc, nhiều năm trước có một dự án du lịch, người dân ở di tích quốc gia Ðường Lâm (Hà Nội) lại được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn. Trong suốt thời gian cả năm trời thực hiện dự án, các chuyên gia Nhật cùng với người dân lên thực đơn, cùng tập huấn cách nấu, cách bày biện để có được một mâm cỗ Ðường Lâm giàu tính văn hóa địa phương. Trong thực đơn đó có món gà luộc, gà để luộc là giống gà Mía - một đặc sản của làng. Thực đơn cũng có món củ cải khô xào, khi ăn thấy ngon rồi khách có thể mua củ cải khô ngay trong làng do người dân tự tay phơi để cất trữ. Món thịt lợn quay đặc trưng của làng cũng khiến khách nhớ không quên. Món nem rán, đậu rán cũng thật dễ gần…

Bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của UNESCO tại VN, kể lại khi gặp doanh nghiệp lữ hành hỏi về một số điểm du lịch, họ nói ở đó chả có gì thăm cả. Nhưng khi làm việc với người dân thì không phải vậy. "Doanh nghiệp lữ hành nói Vạn Phúc (Hà Nội) không có gì, nhưng người dân Vạn Phúc kể với chúng tôi một loạt tài nguyên về cảnh quan, sản phẩm văn hóa, di tích văn hóa, địa điểm giải trí. Họ có vườn thuốc nam với cây cổ thụ và là điểm nghỉ ngơi tuyệt vời. Họ có những khung dệt mà khách có thể trải nghiệm…", bà Hường nói. Bà Hường đã cùng người dân ở làng lụa Vạn Phúc làm việc một thời gian. Từ đó, người dân đã tự thiết kế được tour trải nghiệm cho khách đến làng mình.

Một trường hợp khác, doanh nghiệp kinh doanh trang phục cổ Ỷ Vân Hiên của CEO Nguyễn Ðức Lộc đã được mời tham gia vào nhiều không gian khách sạn, khu du lịch trong nước. Ở đó, Nguyễn Ðức Lộc giúp trưng bày các trang phục xưa như áo Nhật Bình và các loại áo ngũ thân khác. Khách đến trải nghiệm có thể mặc thử trang phục được may giống ngày xưa, với kỹ thuật thêu tinh xảo. Bản thân Ỷ Vân Hiên của anh ở Hà Nội cũng tổ chức chụp ảnh như vậy.

Ông Nguyễn Ðức Tăng, một chuyên gia di sản, lại vô cùng thích thú với cách người dân ở TX.Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế) tổ chức bảo tàng nông cụ của mình. Trong bảo tàng có một chiếc xe đạp nước do người dân mang tặng. Khách tới bảo tàng được hướng dẫn cách ngồi lên đạp để thấy nước di chuyển ra sao, đó cũng là cách người dân đưa nước vào ruộng. Ông Tăng cho biết khách du lịch nước ngoài rất thích đạp chiếc xe này.

Ðà Lạt lâu nay hay bị "điểm danh" là nơi xuất hiện nhiều điểm check-in lai căng. Tuy nhiên thành phố này cũng có không ít sản phẩm du lịch gắn với đời sống kinh tế và văn hóa bản địa, như thăm làng hoa, vườn dâu, vườn hồng, trải nghiệm quy trình trồng rau, hoa củ chất lượng cao. Ðặc biệt, chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng được tổ chức dưới chân núi Lang Biang luôn thu hút rất đông du khách. Tại đây du khách được ngồi bên đống lửa, uống rượu cần, thưởng thức các bài hát, điệu múa của đồng bào dân tộc K'Ho, tham gia nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã, rồi đeo gùi, mặc trang phục dân tộc K'Ho chụp ảnh…

"Nhà quản lý cần quản lý chặt chẽ để phát hiện kịp thời, sau đó điều chỉnh thì những văn hóa lệch chuẩn không phát triển, còn văn hóa bản địa lại được thúc đẩy. Nó còn tạo ra các thương hiệu văn hóa. Như ở Huế (Thừa Thiên-Huế), nhờ Huế thúc đẩy việc mặc áo dài mà người cho thuê áo dài chụp ảnh ở Huế cũng được hưởng lợi. Họ cho thuê nhiều hơn hẳn", ông Nguyễn Ðức Bình nói. Ông Bình cho biết, việc quảng bá áo dài truyền thống tại Huế đã giúp di sản này được lan tỏa rộng rãi hơn. Có những nhà may chuyên áo dài ngũ thân đã thấy có lượng tăng trưởng rất cao. Ðiều này rõ ràng có lợi cho cả văn hóa, du lịch và kinh tế.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.