Đề xuất ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân

01/02/2023 13:27 GMT+7

Để giải quyết kịp thời các bức xúc của người lao động, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu kiến nghị trên với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam diễn ra sáng 1.2.

Đề xuất ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân - Ảnh 1.

Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam

NGUYỄN HẢI

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong thời gian qua, các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về vấn đề nhà ở cho công nhân theo hướng cải cách, rút gọn thủ tục hành chính; quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động; huy động hợp tác công - tư, cơ chế để công đoàn, địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia; bố trí nguồn đầu tư công trung hạn.

Đề xuất ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân   - Ảnh 1.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân

NGỌC DƯƠNG

Bộ Xây dựng đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi luật Nhà ở 2014, có đề xuất một số chính sách đặc thù, như: nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp để công nhân, người lao động thuê trong khu công nghiệp; công nhân thuộc đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội ở ngoài khu công nghiệp như các đối tượng chính sách khác…

Để tiếp tục đẩy nhanh thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" đã được Thủ tướng phê duyệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án; coi chăm lo phúc lợi xã hội về nhà ở cho công nhân lao động là một yêu cầu cấp thiết, cần được quy định thành chế định riêng trong luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, ông Khang đề nghị, cần bố trí thêm ngân sách nhà nước để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân, lao động được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính công nhân, lao động doanh nghiệp đó mua hoặc thuê mua, góp phần "an cư lạc nghiệp".

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, gồm: luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Đất đai, luật Đầu tư công, luật Quản lý tài sản công.

Trước mắt, trong khi chưa sửa đổi các luật, ông Khang đề nghị, Chính phủ giao Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật.

Ngoài ra, Chính phủ xem xét, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" vào đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp do Bộ Xây dựng chủ trì, để đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.