Đề xuất bắt khẩn cấp trước khi phía nước ngoài chuyển văn bản yêu cầu dẫn độ

07/10/2023 11:01 GMT+7

Bộ Công an đề xuất áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp trước khi phía nước ngoài chuyển văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức.

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật Dẫn độ. Luật này do Bộ Công an soạn thảo, trên cơ sở tách một phần từ luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Bộ Công an đề xuất bắt khẩn cấp để dẫn độ - Ảnh 1.

Công an TP.HCM bắt giữ một đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol)

BỘ CÔNG AN

Bộ Công an cho biết, Việt Nam là thành viên của 21 điều ước quốc tế song phương về dẫn độ có quy định về bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ trước khi nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức.

Một số hiệp định về dẫn độ còn quy định các cơ quan có thẩm quyền của nước này có thể bắt giữ một người đang có mặt trên lãnh thổ nước mình nếu có căn cứ xác định đã thực hiện tại nước kia một tội phạm có thể bị dẫn độ theo hiệp định mà không cần có yêu cầu bắt giữ.

Người bị bắt trong trường hợp trên sẽ bị giam giữ tại nước bắt giữ một thời hạn nhất định (tối thiểu là 1 tháng) kể từ ngày nước kia nhận được thông báo về việc bắt.

Thời gian qua, lực lượng công an đã bắt giữ một số đối tượng người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước ngoài rồi lẩn trốn vào Việt Nam theo yêu cầu của phía nước ngoài hoặc có thông báo truy nã của Interpol.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện xảy ra tình trạng nhiều viện KSND cấp tỉnh và cả một số vụ của Viện KSND tối cao chỉ phê chuẩn quyết định bắt, tạm giữ mà không phê chuẩn quyết định tạm giam, có trường hợp không phê chuẩn cả quyết định bắt.

Lý do không phê chuẩn là bộ luật Tố tụng hình sự không quy định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các trường hợp bị bắt nêu trên.

Bộ Công an cho hay, khoản 1 điều 6 luật Điều ước quốc tế quy định: trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.

Do vậy, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam đối với các đối tượng phạm tội ở nước ngoài rồi lẩn trốn vào Việt Nam cần căn cứ theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc này vừa là nghĩa vụ của Việt Nam theo pháp luật quốc tế, vừa khẳng định thiện chí hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm của Việt Nam.

Bộ Công an cho rằng, nếu không thực hiện đúng quy định của các hiệp định sẽ có thể dẫn đến tranh chấp không đáng có giữa Việt Nam và các quốc gia. Đồng thời, khi Việt Nam có yêu cầu tương tự sẽ không được các nước đáp ứng, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định trong trường hợp phía nước ngoài yêu cầu áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp để dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp trước khi phía nước ngoài chuyển văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.