Trong dự thảo luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (dự thảo lần 5) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây, Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật) đã đưa ra đề xuất mới đối với việc cấp biển số xe (BSX) qua đấu giá.
Theo đó, việc đấu giá BSX được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản. BSX sau đấu giá có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật; người trúng đấu giá biển số có quyền được sở hữu, định đoạt như mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, thế chấp BSX theo quy định của bộ luật Dân sự 2015.
Dự thảo quy định có 2 hình thức cấp BSX: một là cấp theo hình thức ngẫu nhiên như đang làm hiện nay; hai là cấp thông qua đấu giá. Quy định coi biển số là tài sản chỉ được áp dụng đối với biển số qua đấu giá.
Biển số trúng đấu giá có thể “đi” theo xe hoặc theo người
Theo một lãnh đạo Cục CSGT, nếu được Quốc hội thông qua, quy định nêu trên sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc lâu nay, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của người dân và tạo ra nguồn thu lớn cho nhà nước.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc người dân sau khi sở hữu biển số trúng đấu giá thì có quyền định đoạt tài sản này cụ thể ra sao, đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an), cho hay từ trước đến nay chúng ta quản lý biển số theo xe, nhưng khi xem BSX trúng đấu giá là tài sản thì nó có thể đi theo người hoặc theo phương tiện.
“Người trúng đấu giá BSX có thể gắn vào phương tiện của mình. Trong trường hợp không muốn sử dụng chiếc xe đó thì có thể chuyển nhượng xe cho người khác và giữ lại biển số. Điều quan trọng là việc chuyển nhượng này bắt buộc phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước”, đại tá Bình giải thích và cho biết thêm: “Bản chất đăng ký xe chỉ là xác nhận tiếp theo của sở hữu. Khi một người mua một chiếc xe thì họ đã sở hữu rồi, nhưng do đây là phương tiện có tính chất nguy hiểm cao độ, cần phải đăng ký để theo dõi quản lý trong quá trình sử dụng để biết đó là phương tiện của ai, người nào phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm”.
Với việc biển số trúng đấu giá có thể theo người hoặc theo xe, đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng không khó để quản lý, bởi “với cơ sở dữ liệu dùng chung về đăng ký quản lý xe được Cục CSGT thực hiện từ năm 2009 đến nay, việc thay đổi biển số hay phương tiện không có gì là khó khăn”.
Bỏ quy định dừng xe 5 phút
Cũng theo dự thảo mới nhất, đơn vị soạn thảo đã tiếp thu và rút nhiều quy định gây ra tranh cãi trước đó. Cụ thể, dự thảo đã bỏ quy định “dừng xe trong thời gian không quá 5 phút” và thay thế bằng quy định dừng xe “trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe”.
|
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng bỏ đề xuất rút ngắn các thời hạn giấy phép lái xe xuống còn 5 năm; và giữ nguyên quy định như hiện hành. Theo đó, giấy phép lái xe hạng A01, A2, A3 không thời hạn; giấy phép lái xe hạng B (ô tô đến 9 chỗ ngồi, xe tải, máy kéo không vượt quá 3,5 tấn) có thời hạn trong 10 năm kể từ ngày cấp; hạng D1 gồm ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ; hạng D ô tô trên 30 chỗ; hạng BE, CE, D1E, DE xe đầu kéo, container có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Dự thảo lần này cũng đưa ra nhiều quy định khác về giấy phép lái xe. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đào tạo lái xe, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo lái xe; về sát hạch lái xe, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về đào tạo lái xe cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng...
Về lộ trình đấu giá biển số xe, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết Bộ Công an sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với người dân về đề án cũng như dự thảo luật. Khi dự thảo luật này được Quốc hội thông qua, đề án này cũng sẽ được triển khai thực hiện luôn.
|
Bình luận (0)