Vận tải hành khách giảm mạnh
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, hoạt động vận tải hành khách đã tạm dừng trong thời gian dài trước diễn biến phức tạp của đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến các đơn vị vận tải và người lao động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu ngành trong năm 2021.
NGOC DƯƠNG |
Cụ thể, khối lượng vận tải hành khách công cộng của TP.HCM trong năm qua chỉ đạt 159,6 triệu lượt hành khách, giảm 58,6 % so với năm 2020 - 85,5 triệu lượt; Khối lượng vận tải khách bằng xe buýt đạt 53 triệu lượt hành khách, giảm 56,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách theo tuyến cố định giảm 55% - ước 760.635 lượt xe và hơn 8,9 triệu lượt hành khách, giảm 62%; Sản lượng hành khách bằng đường sắt đạt 0,37 triệu lượt, giảm 61%. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng chỉ phục vụ 8,3 triệu lượt hành khách, giảm 61% so với năm 2020.
Tham gia góp ý tại buổi tổng kết, đại diện Công ty Mai Linh cho biết trong giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, Mai Linh đã chuyển công năng của 101 xe taxi thành xe cấp cứu trở người dân đi bệnh viện. Từ 28.7 - 20.10, hãng này đã phục vụ trên 15.000 cuốc xe, tương đương số tiền hỗ trợ khoảng 7,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách, 1 số lượng khá lớn xe phải nằm kho đã hết hạn kiểm định. Tuy Sở GTVT đã gia hạn kiểm định cho các doanh nghiệp đến 31.10 nhưng sau khi thành phố mở cửa, nhiều anh em tài xế về quê không quay lại làm việc nên còn khoảng 100 xe đến nay vẫn chưa được kiểm định lại. Do đó, Mai Linh đề xuất Công an TP.HCM, Sở GTVT hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được đưa số xe này đi kiểm định để phục vụ nhu cầu người dân tăng cao dịp tết nguyên đán sắp tới. Đây cũng là kiến nghị của hãng Vinasun.
Tài xế taxi khổ vì giới hạn lượng khách
Trong khi đó, đại diện Grab cho biết tuy đã được hoạt động trở lại tất cả các dịch vụ nhưng GrabCar hiện vẫn bị giới hạn số lượng hành khách. Nhiều trường hợp gia đình 2 người gọi xe cũng không được đi chung 1 chiếc 4 chỗ, nhóm bạn 4 người không thể cùng đi trên 1 chiếc GrabCar 7 chỗ. Điều này thực tế không có nhiều ý nghĩa trong việc phòng chống dịch, hạn chế lây lan bởi đây là những đối tượng có cùng điều kiện dịch tễ. Mặt khác, giới hạn khắt khe lượng khách sẽ làm hạn chế cuốc xe của tài xế và ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
"Thành phố đã theo đuổi chính sách linh hoạt, sống chung với Covid-19, tất cả mọi hoạt động kinh tế thích ứng với bình thường mới thì cũng nên xem xét bỏ điều kiện này để tạo điều kiện cho anh em tài xế sớm ổn định thu nhập, ổn định cuộc sống sau đại dịch" - vị này đề xuất.
Đồng tình, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam (đơn vị vận hành tuyến xe buýt 2 tầng tại TP.HCM) đặt vấn đề TP.HCM đã được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế. Đồng thời thành phố đang triển khai rất nhiều chương trình kích cầu nội địa nhằm nhanh chóng vực dậy ngành du lịch sau thời kì ngủ đông. Trong đó, xe buýt 2 tầng là 1 trong những sản phẩm city tour rất được du khách ưa chuộng. Tiếp tục duy trì giới hạn số lượng hành khách trên xe sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc phục vụ nhu cầu du lịch của loại hình vận tải này.
Liên quan vấn đề trên, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT) cho biết các tiêu chí liên quan đến giới hạn lượng khách trên phương tiện đang áp dụng theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Sở GTVT đang rà soát và sẽ tham mưu, trình UBND TP tháo gỡ những quy định bất cập để đảm bảo khai thác tối đa công suất của các phương tiện.
Bình luận (0)