Theo định hướng sửa đổi bộ luật Hình sự, hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Không áp dụng đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc người phạm tội từ 70 tuổi trở lên.
Tại hội thảo Định hướng cơ bản của dự án bộ luật Hình sự (sửa đổi), do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Hòa Bình ngày 24.3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết dự án bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung sẽ có những đổi mới chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.
7 tội danh sẽ không còn hình phạt tử hình
Theo đó, dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Dự thảo luật cũng tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Theo ông Nguyễn Tất Viễn, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, trong thực tiễn xét xử, các tòa án chủ yếu áp dụng hình phạt tử hình đối với tội giết người và ma túy có tính chất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, có nhiều tội danh quy định hình phạt cao nhất là tử hình nhưng ít khi xảy ra trong thực tiễn. Bộ luật Hình sự hiện hành có 22 tội danh quy định hình phạt tử hình, nếu bỏ đi 7 tội thì vẫn còn quá cao. “Tử hình là hình phạt tước đi quyền sống - quyền quan trọng nhất của con người. Nó cũng tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và phục thiện, đồng thời loại trừ khả năng khắc phục oan sai có thể xảy ra trên thực tế. Do đó việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là hết sức cần thiết”, ông Viễn nói.
Nhất trí với quan điểm này, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cho biết trong quá trình thảo luận lấy ý kiến góp ý dự thảo đã có nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ tử hình thêm một số tội danh khác. “Đối với tội hiếp dâm trẻ em thì có thể xem xét vì khi áp dụng tử hình phải kèm theo những hành vi đặc biệt nghiêm trọng như giết người, tuy nhiên trường hợp này ít khi xảy ra. Đối với tội tham nhũng thì vẫn nên tiếp tục giữ bởi đây là loại tội phạm gây bất ổn trong xã hội, nếu không trừng trị nghiêm sẽ mất lòng tin của dân trong đấu tranh chống tham nhũng”, ông Sơn nói.
“Tái” tử hình đối với tội lừa đảo ?
Trong khi đó, ông Trương Việt Toàn, Phó chánh Tòa hình sự (TAND Hà Nội), đề xuất áp dụng hình phạt tử hình trở lại đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trước đây áp dụng sau đó bãi bỏ). “Trong thời gian qua diễn biến lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất phức tạp, chúng tôi đã xử những trường hợp lừa đảo 20 tỉ đồng nhưng do bị can nuôi con nhỏ nên được tại ngoại và lại tiếp tục hành vi lừa đảo”, ông Toàn nói.
“Vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo hơn 4.000 tỉ đồng mà không thể tử hình vì có thể đối tượng này biết có lừa 10 tỉ, 20 tỉ hay hàng trăm tỉ thì cũng không bị tử hình. Nếu biết có thể bị tử hình, chắc Huỳnh Thị Huyền Như sẽ không dám lừa đảo số lượng lớn như thế”, ông Lê Đăng Doanh, giảng viên Đại học Luật Hà Nội nói.
Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, tỏ ra băn khoăn về việc giảm hình phạt án tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển ma túy. Theo ông Hòa, tình trạng buôn bán, vận chuyển chất ma túy vẫn diễn ra hết sức phức tạp, nên cần phải có các biện pháp xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao lại cho rằng, nếu cứ nghĩ rằng phải trấn áp, xử phạt thật mạnh thì tội phạm mới giảm thì đó là quan điểm sai lầm. Điều quan trọng nhất trong chính sách hình sự cần hướng đến là tính hướng thiện. “Trong vụ xét xử đường dây ma túy tại Quảng Ninh mới đây, nếu đúng theo quy định của pháp luật thì có thể phải có tới 60 trường hợp bị áp dụng án tử hình. Nhưng qua cân nhắc, tòa chỉ tuyên án tử đối với 30 trường hợp. Đó không còn là một vụ án mà như thể là vụ thảm sát”, ông Độ nói.
Xâm phạm quyền biểu tình bị xử lý hình sự
Theo ông Đinh Trung Tụng, việc sửa đổi chính sách hình sự lần này được xây dựng theo hướng tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Do đó, dự thảo bổ sung 3 tội danh mới là tội phạm xâm phạm quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân của công dân; tội làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân và tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất tăng nặng hình phạt đối với các tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo...
Đối với nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, ông Tụng cho biết các tội xâm phạm an ninh quốc gia được đổi thành các tội chống nhà nước CHXHCN VN.
|
Bình luận (0)