Đề xuất để doanh nghiệp bán lẻ quyết giá bán lẻ
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (Vinpa), băn khoăn dự thảo nêu giá bán lẻ xăng dầu được thỏa thuận giữa thương nhân bán lẻ với đầu mối và phân phối, nhưng không được cao hơn giá bán quy định tại điều 33. Vậy giá thỏa thuận hiểu như thế nào? Giả sử đại lý, nhượng quyền thì được bán theo quy định của phân phối và đầu mối. Nhưng nếu mua bán trong hệ thống, giá bán lẻ này được quyết ra sao? Thứ 2, quy định cho bán lẻ được lấy hàng từ 3 nguồn, nếu 3 nguồn này có 3 mức giá bán khác nhau, vậy doanh nghiệp bán lẻ bán với giá nào, có được định giá bán lẻ ra cho người tiêu dùng không? Từ đó, đại diện Vinpa đề xuất nên để doanh nghiệp bán lẻ tự quyết giá bán lẻ xăng dầu và người tiêu dùng sẽ có quyền lựa chọn mua xăng dầu ở đâu có lợi cho mình nhất.
Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) - cho rằng, cần bàn rõ quy định về định giá bán lẻ. Dự thảo nghị định đưa ra các tiêu chí và doanh nghiệp đầu mối, phân phối sẽ tính toán và công bố giá trần và trong hệ thống không được bán vượt giá trần này. Tuy nhiên, nếu để thị trường hóa thì cần bỏ giá trần; cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức 1; thương nhân phân phối định giá bán buôn mức 2 và doanh nghiệp bán lẻ quyết định giá bán lẻ đến tay người dùng.
"Để doanh nghiệp đầu mối toàn quyền quyết định giá bán buôn là tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển giá, có thể gây "lũng đoạn" thị trường khiến giá bán lẻ tiệm cận với giá mua vào của doanh nghiệp. Lúc đó chính doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ, kiệt sức. Còn phân khúc đầu mối và phân phối lại an toàn. Nghị định mới cần bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu", ông Thắng phân tích và đề xuất cần có sàn kinh doanh xăng dầu để minh bạch hóa và tiến tới thị trường hóa ngành xăng dầu. Đồng thời cấp thiết ban hành luật xăng dầu độc lập.
Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP xăng dầu Sài Gòn nhận xét, dự thảo nghị định mới nhưng chưa thực sự mới. Không những thế, một số quy định bổ sung đã hạn chế bớt quyền kinh doanh của thương nhân phân phối và bán lẻ. Do đó, ông đề nghị, các quy định đưa vào dự thảo phải mở rộng quyền kinh doanh cho các đối tượng doanh nghiệp.
Về phía thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Nai, bức xúc: Quy định không cho thương nhân phân phối mua bán hàng hóa qua lại tạo thế độc quyền cho doanh nghiệp đầu mối. Hơn nữa, thị trường xăng dầu nay khác 10 năm trước rất nhiều, đã có sự tham gia của nhà sản xuất kinh doanh nước ngoài. Thế nên, thương nhân phân phối có hệ thống kho bãi ổn định, nên cho mua hàng trực tiếp từ nhà máy lọc hóa dầu trong nước thay vì đã mua hàng nhập khẩu qua đầu mối, hàng sản xuất trong nước cũng mua qua đầu mối, tăng chi phí và "cát cứ" không cần thiết.
Bỏ Quỹ bình ổn, thay bằng công cụ bảo hiểm giá
Trước đề xuất quay trở lại 15 ngày điều chỉnh giá 1 lần của một số doanh nghiệp, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam không đồng tình. Dẫn ví dụ Ấn Độ đang điều chỉnh giá xăng dầu theo từng ngày, Hội này cho rằng: "Càng rút ngắn thời gian công bố giá xăng dầu thế giới bình quân thì càng bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch và tính thực chất của giá xăng dầu. Nếu rút ngắn thời gian công bố sẽ khắc phục cơ bản tình trạng khi giá xăng dầu đã hạ thì cá nhân, tổ chức sử dụng xăng dầu làm dịch vụ, sản phẩm… cũng phải hạ theo kịp thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng".
Ngoài ra, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang không phù hợp với luật Giá; quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng đang chịu thiệt thòi; việc lập và sử dụng quỹ mặc dù có quy định các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải công khai nhưng không có cơ chế để người tiêu dùng tham gia giám sát… nên đề nghị bỏ quỹ.
Chuyên gia giá cả, PGS-TS Ngô Trí Long đồng tình và lập luận, có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong thời gian qua. Tuy vậy, thực tế cho thấy, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường. "Quỹ bình ổn giá xăng dầu nằm trong tay doanh nghiệp, nên một số trường hợp "tự tung tự tác", muốn làm gì thì làm. Thậm chí, kẹt tiền thì rút quỹ ra xài, những vụ án liên quan đến sai phạm trong sử dụng quỹ trong thời gian vừa qua cho thấy rõ điều đó. Theo tôi, về phía doanh nghiệp xăng dầu, quỹ bình ổn giá không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá, nhưng trong điều hành, đã có lúc để cho quỹ âm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu, cần có công cụ khác. Chẳng hạn như thuế, hay công cụ bảo hiểm giá (hedging) và phải đưa vào nghị định, nhằm phòng ngừa rủi ro khi giá thế giới biến động như cách các nước phát triển đang làm".
Bình luận (0)