Theo đó, Q.Đống Đa đề xuất P.Láng Thượng bố trí 2 địa điểm xe đạp công cộng trước cổng Trung tâm y tế dự phòng quận và khu vực vỉa hè ngõ 80, phố Chùa Láng (đoạn hồ Láng Thượng).
Hệ thống xe đạp công cộng thí điểm tại khu vực trung tâm TP.HCM |
H.Mai |
Tại P.Láng Hạ bố trí 5 địa điểm, gồm: trước cổng ký túc xá Đại học GTVT; trước cổng trường Đại học Luật Hà Nội; trước cổng Học viện Thanh thiếu niên; trước cổng trường Trung cấp kỹ thuật Tin học Hà Nội; hè phố Hào Nam đoạn giáp hồ Hào Nam.
Ngoài ra, bổ sung thêm các vị trí tại vỉa hè phố Tây Sơn giáp gò Đống Đa (P.Quang Trung); vườn hoa cổng trường Đại học Thủy lợi (P.Trung Liệt); vỉa hè trước cổng Đại học Y Hà Nội (P.Trung Tự); hè góc phố Đông Tác và Phạm Ngọc Thạch (P.Kim Liên); hè phố Nam Đồng đoạn giáp hồ Xã Đàn, đối diện khu Ngoại giao đoàn Trung Tự (P.Nam Đồng).
Theo Q.Đống Đa, đây là các vị trí đã được quận phối hợp với nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thực hiện khảo sát thực tế. Các vị trí đề xuất nhằm bảo đảm tính kết nối liền mạch và nâng cao sự tiện lợi cho người dân trong việc sử dụng xe đạp công cộng như một lựa chọn thân thiện môi trường, qua đó hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cơ giới hay phương tiện cá nhân.
Hiện, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng dự án triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị để thực hiện tại 5 quận trung tâm.
Theo đó, xe đạp công cộng được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan. Thời gian dự kiến thực hiện năm 2022 đến 2023.
Dự án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70 đến 80 vị trí. Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và vùng lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.
Đơn vị được lựa chọn để phối hợp với Sở GTVT Hà Nội xây dựng dự án là Công ty CP Tập đoàn Trí Nam. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã thí điểm triển khai xe đạp công cộng tại TP.HCM từ cuối năm 2021.
Theo ước tính, tổng chi phí của dự án là khoảng 26 tỉ đồng, nhà đầu tư tự bỏ vốn và khai thác. Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí thuê xe đạp điện dự kiến khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày. Để hỗ trợ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ một số địa điểm đặt trạm sạc tại các địa điểm đặt xe phục vụ người dân.
Bình luận (0)