(TNO) Tại Hội thảo “Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội và triển khai thi hành luật Bảo hiểm xã hội” khu vực phía Nam diễn ra chiều 4.2 tại TP.HCM, do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) tổ chức, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc BHXH VN đã đề xuất bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội chây ì, trốn tránh đóng BHXH của các doanh nghiệp, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH…
Theo bà Phương, tình trạng nợ đọng tiền BHXH diễn biến phức tạp, tính đến năm 2014, tổng số tiền nợ BHXH bắt buộc là 5.500 tỉ đồng, chiếm 4,93% tổng số tiền BHXH phải thu trong năm. Phát biểu trong hội thảo, bà Phương nói: “Có thời điểm số tiền nợ BHXH lên đến con số 11.300 tỉ đồng. Trong mấy tháng cuối năm 2014, cơ quan BHXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng, dùng mọi biện pháp quyết liệt mới truy thu được và rút xuống còn 5.500 tỉ đồng”.
Cũng theo bà Phương, hiện tượng chủ các doanh nghiệp chây ì, không đóng BHXH, thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn khi cơ quan BHXH đòi, việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Tuyết Liên (Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) còn cho rằng ngay cả khi cơ quan BHXH khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, TAND đã ra bản án buộc doanh nghiệp phải đóng tiền BHXH thì doanh nghiệp cũng phớt lờ hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn… cơ quan BHXH cũng không làm gì được. Vì vậy, bà Liên cũng đề nghị cần phải có biện pháp để đảm bảo thi hành bản án trong trường hợp doanh nghiệp nợ tiền BHXH.
Trao quyền thanh tra về BHXH cho cơ quan BHXH
Hiện nay, có tình trạng người sử dụng lao động và người lao động tự thoả thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động thấp hơn mức lương thực tế nhằm giảm thấp số tiền đóng BHXH. Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đây là một thoả thuận sai quy định pháp luật. Bà Mai nhấn mạnh, luật BHXH mới ban hành có điểm mới là đã trao quyền thanh tra về BHXH cho cơ quan BHXH. Như vậy, cơ quan BHXH có quyền tiến hành thanh tra doanh nghiệp về BHXH, yêu cầu doanh nghiệp xuất bảng lương và các chứng từ liên quan như bảng kê khai thuế… để buộc doanh nghiệp phải đóng BHXH theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Hội thảo cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu về các vấn đề khác của luật BHXH như khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, về lương hưu, về vai trò của công đoàn… để Bộ LĐ-TB-XH tham khảo, xem xét khi ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật BHXH.
Bình luận (0)