Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) vừa có văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM kiến nghị công bố lại hành trình chạy xe khách tuyến cố định trên địa bàn TP.HCM sau thời gian thực hiện chủ trương di dời các tuyến đường từ Bến xe miền Đông ra Bến xe miền Đông mới (BXMĐM).
SAMCO đánh giá, sau ngày 9.1 khi Sở GTVT TP.HCM có văn bản thông báo hành trình chạy xe của các phương tiện hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, tình trạng đón, trả khách xung quanh BXMĐM và các điểm lân cận như Suối Tiên, Đền Hùng, ngã tư Bình Phước, dọc các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Xa lộ Hà Nội... vẫn diễn ra. Phương tiện thuộc các đơn vị vận tải có tuyến hoạt động tại bến mới vẫn đón khách tại các bãi đậu xe, không vào bến xe liên tỉnh để thực hiện các thủ tục, tác nghiệp đầu cuối.
Các phương tiện hoạt động “trá hình”, xe hợp đồng chạy ngang qua BXMĐM để thực hiện đón khách trái quy định. Bên cạnh đó, phương tiện xuất bến từ các bến xe liên tỉnh khác có hành trình Quốc lộ 14, Quốc lộ 13 nhưng chạy sai hành trình vào Quốc lộ 1 và Bến xe miền Tây, An Sương, ngã tư Ga nhưng vẫn chạy ngang qua BXMĐM và hẹn khách để đón khách. Trong khi đó, các tuyến tại BXMĐM đều hạn chế, không đi ngang qua các bến xe liên tỉnh khác để tránh tình trạng phương tiện đón, trả khách không đúng quy định.
Dù thành phố đã quy định cấm nhưng vẫn tồn tại phương tiện vận tải chạy sai hành trình trong giờ cấm xe giường nằm đi từ Bến xe Miền Tây, An Sương, ngã Tư Ga, Bến xe Miền Đông vào Quốc lộ 1, ngã tư Thủ Đức để thực hiện đón khách. Sau đó, di chuyển ngang qua BXMĐM để tiếp tục đón khách.
Chưa kể, còn xuất hiện thêm tình trạng xe khách giường nằm đậu trên trục đường Xa lộ Hà Nội (đoạn từ trước nút giao Cát Lái), hoặc tại các bãi đậu xe nằm trên trục vành đai hạn chế, chờ đến 22 giờ để vào nội đô thành phố hoạt động và thực hiện đón, trả khách, gây ách tắc, mất an ninh trật tự, tai nạn giao thông khu vực gần bến mới.
Trước những bất cập trên, SAMCO đề nghị Sở GTVT công bố lại hành trình chạy xe giữa các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn TP.HCM và hành trình của các tuyến đi ngang qua địa phận thành phố theo phương án: Phương tiện không dừng đón, trả khách dọc Xa lộ Hà Nội, nhất là xung quanh BXMĐM.
Để tận dụng hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và giảm lượng phương tiện đi vào khu vực trung tâm thì các tuyến vận tải khách liên tỉnh sẽ không đi sâu vào nội đô thành phố. Vì thế, sẽ không bố trí hành trình xuyên tâm thành phố cụ thể như đường Hồ Học Lãm, Võ Văn Kiệt. Bên cạnh đó, cần kết nối đến các đường vành đai, hạn chế các phương tiện liên tỉnh tận dụng hoạt động tại các bãi giữ xe để tổ chức đón, trả khách mà không vào bến xe khách liên tỉnh....
Đặc biệt, để hạn chế ùn tắc giao thông, “xe dù", "bến cóc”, SAMCO kiến nghị thành phố xem xét cấm xe giường nằm (24/24) vào trung tâm thành phố, thay vì cấm theo giờ như hiện nay. Ngoài ra, nghiên cứu triển khai mở rộng cấm xe trên 16 chỗ vào nội thành, trừ các xe buýt, xe phục vụ nhu cầu riêng như xe đưa rước học sinh, sinh viên, công nhân, xe công vụ, xe phục vụ khách đoàn tham quan, du lịch theo chương trình, xe phục vụ đám tang, đám cưới...
Trước đó, từ 10.1.1023, TP.HCM chính thức cấm tất cả các xe khách giường nằm vào khu vực nội đô theo khung giờ từ 6 giờ đến 22 giờ. Công an TP.HCM và Sở GTVT cùng UBND các quận, huyện thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện cố tình lưu thông sai các tuyến cố định, dừng đỗ xe sai quy định tại các tuyến đường đã có biển báo cấm. Sau gần hai tháng triển khai, Sở GTVT đánh giá việc hạn chế ô tô khách có giường nằm lưu thông vào nội đô đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm ùn ứ giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Bình luận (0)