Đề xuất chi hơn 256 nghìn tỉ đồng phát triển văn hóa

10/05/2024 11:29 GMT+7

Bộ VH-TT-DL đề xuất chi 256.250 tỉ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa trong 11 năm từ 2025 - 2035, phấn đấu công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP cả nước.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng vừa có tờ trình gửi Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giai đoạn 2025 - 2035 (gọi tắt là chương trình).

Theo đó, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay, về tổng vốn thực hiện chương trình trong giai đoạn 1 (2025 - 2030) là 122.250 tỉ đồng; giai đoạn 2 (2031 - 2035) là 134.000 tỉ đồng. Tổng vốn thực hiện chương trình trong 11 năm là 256.250 tỉ đồng.

Con số này giảm gần 100.000 tỉ đồng so với đề xuất ban đầu khi xây dựng chương trình là hơn 350.000 tỉ đồng.

Đề xuất chi hơn 256 nghìn tỉ đồng phát triển văn hóa- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

GIA HÂN

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ các nguồn vốn trong tổng số 122.250 tỉ đồng của giai đoạn 1 (2025 - 2030). Trong đó, vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%), bao gồm: 50.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển và 27.000 tỉ đồng vốn sự nghiệp.

Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%), gồm 18.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển và 12.250 tỉ đồng vốn sự nghiệp. Vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).

"Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách T.Ư để ưu tiên hỗ trợ thêm cho chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện", báo cáo của Chính phủ kèm theo tờ trình nêu rõ.

Thời gian thực hiện chương trình trong 11 năm, gồm 2 giai đoạn chính. Trong đó, riêng năm 2025, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ chỉ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP

Bộ trưởng VH-TT-DL cũng cho hay, chương trình cũng đặt ra mục tiêu cụ thể, với nhiều mục tiêu đáng chú ý. Theo đó, đến năm 2030, sẽ hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa.

100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn.

100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa. Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. 

Hàng năm có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố.

Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa.

80% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Hàng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Tới khi kết thúc chương trình vào năm 2035, chương trình cũng đặt mục tiêu, phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật.

100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Có ít nhất 10 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN.

Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%. Hàng năm, có ít nhất 4 - 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài

Một điểm đáng chú ý là Chính phủ đề xuất quy mô chương trình mở rộng ra cả nước ngoài. Theo đó, chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Thẩm tra sơ bộ vấn đề này, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng, việc đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, nội dung này chưa phù hợp với quy định của luật Đầu tư công, do vậy, cần được Quốc hội xem xét, quyết định.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ về yêu cầu thực tiễn, sự cần thiết đầu tư trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong điều kiện thực hiện chiến lược quốc gia về cuộc cách công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.