Ngày 2.8, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách về vốn để giữ cánh cho hàng không Việt”.
TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho biết trải qua 4 đợt dịch Covid-19, các hãng hàng không (VietNam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways) đã kiệt quệ sức lực và cạn kiệt tài chính. Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày.
Với vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của một quốc gia, thời gian vừa qua, theo ông Nề, Chính phủ các nước đang triển khai rất nhiều các gói hỗ trợ ngành hàng không. Năm 2020, các nước đã chi khoảng 200 tỉ USD để hỗ trợ các hãng hàng không, dự kiến năm 2021 sẽ chi thêm khoảng 84 tỉ USD.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, cũng đánh giá hàng năm, ngành hàng không tạo ra doanh thu khoảng 200.000 tỉ đồng. Riêng về ngân sách, ngành này đóng góp trên 22.000 tỉ đồng thuế và phí/năm. Trước khó khăn do đại dịch, nhiều nước đã giãn, hoãn nộp thuế; giãn, hoãn các nghĩa vụ nợ… Chính phủ Việt Nam cũng đã có gói cho vay 12.000 tỉ đồng cho VietNam Airlines, song với các hãng bay khác thì vẫn chưa có hỗ trợ đủ mạnh.
Hiến kế cho Chính phủ, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng cần phải có một gói giải pháp toàn diện. Theo đó, cần đề xuất Chính phủ trình một nghị quyết lên Quốc hội. Hiện các tổ chức tín dụng không thiếu vốn, nhưng các doanh nghiệp bắt buộc phải có tài sản đảm bảo theo quy định của nhà nước, nên rất khó tiếp cận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không tư nhân cần phải tự tái cấu trúc, xem xét nguồn lực nội tại, cần nhà nước hỗ trợ tới đâu.
“Vấn đề quan trọng bây giờ là cần có hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cùng với các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đảm bảo tính thanh khoản, để trong tương lai có khả năng phục hồi và phát triển”, TS Hùng chia sẻ.
|
Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, để có thể có các chính sách về vốn, cần vượt qua định kiến “dùng tiền thuế của dân để giải cứu một định chế thị trường”, thì các nhà lập pháp cần vượt qua một số rào cản về chính trị và pháp lý. Nếu so sánh con số 12.000 tỉ đồng của Vietnam Airlines so với 26.000 tỉ đồng Bộ tài chính đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, rõ ràng ngành hàng không được ưu ái rất lớn. Hiện, Vietnam Airlines đã được nhận 4.000 tỉ đồng khẩn cấp, 8.000 tỉ đồng còn lại thông qua việc tái cấp vốn. Song, các hãng bay tư nhân thì chưa được hỗ trợ nhiều.
Do đó, để cứu cánh hàng không, theo TS Bảo, Quốc hội cần cho phép Ngân hàng Nhà nước lưu động dòng tiền tới các ngân hàng tư nhân (có thể tái cấp vốn lãi suất thấp), rồi cho các hãng hàng không tư nhân cho vay. Tuy vậy, vấn đề "giải cứu" ngành hàng không cần đặt trong tổng thể ngân sách và nền tài chính quốc gia.
“Bên cạnh đó, các hãng bay, đặc biệt là Vietnam Airlines, cần phải có kế hoạch cắt giảm chi phí, nhân sự. Phải chứng minh cho xã hội thấy rằng ngành hàng không cũng đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động và triển vọng dài hạn”, TS Bảo khuyến cáo.
Bình luận (0)