Giải pháp chứng minh nơi đỗ xe trước khi đăng ký xe ô tô cá nhân do Bộ GTVT gửi sang Bộ Công an, từng áp dụng trên địa bàn Hà Nội và... thất bại.
Đối phó là chính!
Theo công văn gửi Bộ Công an, Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó quy định chủ sở hữu ô tô cá nhân khi đăng ký xe phải chứng minh có nơi đỗ xe phù hợp.
Còn nhớ đầu những năm 2003 - 2004, dư luận từng bức xúc trước tình trạng nhiều người dân để được đăng ký xe ô tô cá nhân phải khổ sở, mất tiền cho “cò” chạy giấy chứng nhận điểm đỗ xe. Quy định này sau đó bị bãi bỏ do phát sinh quá nhiều phức tạp đi kèm.
|
Ông Bùi Đăng Thắng, Giám đốc Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, cho biết chuyện “cò” chạy giấy tờ xác nhận có điểm đỗ không hiếm. Đơn cử với hoạt động kinh doanh taxi, để có được giấy phép kinh doanh, công ty taxi phải xin một giấy phép về bãi đỗ xe. “Chỉ cần nhờ cơ quan có bãi đỗ rộng ký một cái hợp đồng “đểu” là có thể thông qua rồi”, ông Thắng cho hay.
Hiện tại, toàn Hà Nội có 1.178 điểm đỗ xe, với diện tích khoảng 43 ha đất, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 8% - 10% nhu cầu. Theo ông Thắng, 90% số ô tô còn lại đỗ tràn ra vỉa hè, lòng đường, tại các điểm đỗ xe tư nhân được cấp phép cũng như tự phát. Trong khi đó, lượng ô tô tại Hà Nội hiện tại lên tới 450.000 xe, chưa kể khoảng 50.000 xe của các lực lượng vũ trang thường xuyên về Hà Nội. Mỗi tháng, có tới 4.000 - 5.000 xe ô tô đăng ký mới tại Hà Nội.
Ông Thắng cho rằng, với diện tích đỗ xe hạn chế như hiện nay, quy định phải có chứng nhận điểm đỗ mới được cấp đăng ký xe cá nhân càng dễ phát sinh những tiêu cực đi kèm. Nhiều người sắp mua xe còn lo ngại trong điều kiện thiếu điểm đỗ xe như hiện nay thì rất dễ bị các chủ bãi đỗ xe tư nhân “bắt thóp” và phải chấp nhận mức giá cao để có được nơi đỗ xe hằng ngày...
Phiền hà, không hiệu quả
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 27.12, ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Công an, cho biết đề xuất của Bộ GTVT không phải là mới và việc thực hiện sẽ không đơn giản. “Thực ra việc hạn chế phương tiện cá nhân đã được Bộ GTVT đặt ra cách đây 10 năm và có nhiều biện pháp thực hiện, nhưng thời điểm đó làm không quyết liệt nên hiệu quả không rõ ràng. Còn để bây giờ mới làm thì tôi cho là sẽ kkó khăn hơn trước gấp bội phần”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, bất cứ một người dân khi tiến hành mua xe ô tô chắc chắn đã tính toán tới việc đỗ để xe ở đâu. “Bắt họ chứng minh chỗ đỗ xe sẽ tạo ra các thủ tục rườm rà, phiền hà đồng thời hiệu quả chưa chắc đã được như mong muốn”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, lo ngại: “Thực tế, người mua xe ô tô cá nhân thường ký hợp đồng thuê chỗ đỗ xe giả để được đăng ký xe mới, do vậy nếu đề xuất này được thực hiện thì phải hết sức cân nhắc bởi nếu không sẽ không đem lại hiệu quả”.
Trong công văn của Bộ GTVT cũng đề nghị phải có biện pháp kiểm tra, xử lý các trường hợp ký kết hợp đồng trông giữ xe gian dối để đủ điều kiện đăng ký xe. Theo TS Khuất Việt Hùng, Trường đại học GTVT, xét về mặt nguyên tắc, trình độ công nghệ giải pháp Bộ GTVT vừa đề xuất hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều đó, phải triển khai nghiên cứu để có được cơ sở dữ liệu về diện tích đỗ xe ở cả nơi công cộng lẫn diện tích của tư nhân. Đồng thời phải có được quy định về nơi được phép đỗ xe bao gồm cả về diện tích, điều kiện PCCC.
Chuyên gia này cũng cho rằng, hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu sẽ quản lý được tình trạng sử dụng diện tích đỗ xe trên địa bàn TP. Để làm được vậy, các hộ dân đủ điều kiện đỗ xe, các điểm đỗ xe công cộng, điểm đỗ xe thuộc doanh nghiệp, tư nhân phải đăng ký. “Khối lượng công việc là rất lớn, theo tính toán, nếu triển khai nghiên cứu ở Hà Nội nhanh cũng phải mất 2 năm”, ông Hùng nói.
Mai Hà - Thái Sơn
Bình luận (0)