Chiều 26.9, tiếp tục phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Tại tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Chính phủ đề xuất đưa đồ uống có đường với hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, dự thảo luật dự kiến mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường với hàm lượng đường trên 5g/100 ml là 10%.
Theo ông Chi, việc này nhằm thực hiện chủ trương về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến đồ uống có đường tại Việt Nam.
Kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm. Cùng đó, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra nhất trí với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế. Lý do là mức tiêu thụ nước giải khát có đường của Việt Nam không cao; số lượng các quốc gia quy định thu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường hiện nay không nhiều.
Cạnh đó, luồng ý kiến này cho rằng, đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân béo phì. Để hạn chế tình trạng này, việc sử dụng các giải pháp khác có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Loại ý kiến này cũng cho rằng, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế sẽ không chỉ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời có thể gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia
Ngoài mặt hàng đồ uống có đường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo luật sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất đối với rượu, bia.
Theo đó, Chính phủ đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia theo lộ trình. Theo đó, rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030.
Với rượu dưới 20 độ, mức thuế từ tối đa là 60% hoặc 70% đến 2030. Còn mặt hàng bia cũng tăng từ 65% hiện tại lên 90% hoặc 100% sau 6 năm nữa.
Chính phủ cho biết, giá bán năm 2026 với các mặt hàng rượu, bia sẽ tăng 2 - 10% so với 2025 khi điều chỉnh thuế suất. Các năm tiếp theo mỗi năm giá bán tăng 2 - 3% so với trước. Việc này nhằm đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo lạm phát hoặc tăng thu nhập của người tiêu dùng.
Ông Chi thông tin, Chính phủ nghiêng về phương án áp thuế suất tuyệt đối (tức 100%) với sản phẩm rượu, bia vào 2030 do "tác động cao hơn trong giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và tác hại liên quan do việc lạm dụng gây ra".
Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh cho hay, đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với phương án áp thuế 100% với rượu, bia vào năm 2030 để điều tiết tiêu dùng, hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia, gây tác hại đến sức khỏe người dân và trật tự an toàn xã hội.
Ngược lại, một số ý kiến cho rằng, theo đánh giá tác động, ngay cả mức tăng thuế tuyệt đối giá bán lẻ các mặt hàng này sẽ cao hơn khoảng 2 - 3% mỗi năm trong giai đoạn 2027 - 2030, trừ 2026 là khoảng 10%. Như vậy, so với mức tăng lạm phát và tăng trưởng thu nhập bình quân hàng năm (khoảng 6%) thì mức tăng từ năm 2027 vẫn thấp hơn.
Các ý kiến này cho rằng, có thể có mức độ nhất định để hạn chế mức tăng của tiêu dùng, nhưng vẫn chưa đủ để giảm chỉ số về sức chi trả tương đối so với thu nhập và sản lượng rượu, bia trong cả giai đoạn chỉ có thể giảm nhẹ ở mức 1,6% (năm 2030 so với năm 2025). Điều này dẫn tới mức tăng theo đề xuất của Chính phủ trong các phương án đưa ra chưa đạt được mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO, điều tiết sản xuất và định hướng tiêu dùng…
Do đó, ý kiến này đề nghị cân nhắc tính toán, đề xuất mức tăng hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra.
Bình luận (0)