Đề xuất đấu thầu dự án khai thác khoáng sản như với đất đai

27/06/2024 10:40 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề nghị cùng với mở rộng đấu giá khai thác khoáng sản cần có hình thức đấu thầu dự án khai thác khoáng sản như với đất đai, tránh tình trạng cấp phép kiểu xin - cho, hay được giao mỏ nhưng chậm trễ trong triển khai thực hiện.

Thảo luận tại tổ về dự án luật Địa chất và khoáng sản tuần qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Tạ Đình Thi (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, cần có sự phân tích, đánh giá kỹ hơn về cơ chế đấu giá khoáng sản đã được quy định từ luật Khoáng sản 2013.

Theo ông Thi, qua tổng kết thi hành luật Khoáng sản 2013 thời gian qua thì thấy việc đấu giá cũng hạn chế. Từ đó, ông đề nghị cần phải có sự đánh giá việc thi hành luật để có cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện thêm.

Đề xuất đấu thầu dự án khai thác khoáng sản như với đất đai- Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Tạ Đình Thi

GIA HÂN

Góp ý cụ thể, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường chỉ ra, ngoài quy định về đấu giá khai thác khoáng sản thì chưa quy định về đấu thầu dự án khai thác khoáng sản. "Tôi kiến nghị trong dự luật lần này, cần nghiên cứu bổ sung việc đấu thầu lựa chọn dự án khai thác khoáng sản", ông Thi nêu quan điểm.

Đại biểu Hà Nội phân tích, trong luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội thông qua cũng quy định phương thức đấu thầu lựa chọn dự án và đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, đối với khoáng sản, cũng là một loại tài nguyên quý của quốc gia, cũng có thể nghiên cứu phương thức đấu thầu dự án khai thác khoáng sản.

Theo ông Thi, cả đấu thầu dự án và đấu giá khai thác khoáng sản đều mục đích là để làm sao lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực nhất, nhưng mỗi một phương thức thì có những mục đích khác nhau.

Ở phương thức đấu giá thì mục tiêu là lựa chọn nhà đầu tư trả giá cao nhất, hay nói cách khác là bán được quyền khai thác khoáng sản với giá cao nhất để thu về ngân sách nhà nước.

Còn với phương thức đấu thầu dự án khai thác khoáng sản thì mục đích là để lựa chọn nhà đầu tư có chất lượng tốt nhất và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn nhất. Tốt nhất ở đây là có năng lực nhất, nhất là đối với năng lực tài chính, có phương án, giải pháp, tiến độ hợp lý, tính khả thi trong số các nhà đầu tư tham gia dự thầu.

Ông dẫn thực tế thời gian vừa qua có nhiều nhà đầu tư khi được giao mỏ thì việc triển khai thường chậm trễ, trong khi việc thanh tra, kiểm tra khó khăn. Do đó, ông Thi cho rằng, nếu dự thảo luật quy định được về đấu thầu dự án khai thác khoáng sản sẽ thúc đẩy việc triển khai dự án khi các nhà đầu tư có năng lực tốt hơn.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cũng cho rằng, với loại khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến thì có thể không cần đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng trữ lượng, giá trị của khu vực khoảng sản này phải được tính toán rõ ràng và đưa vào giá khởi điểm để đấu thầu dự án.

"Như vậy, việc "đấu giá quyền khai thác khoáng sản" vẫn được thực hiện nhưng nằm trong việc đấu thầu. Sau khi trúng thầu thực hiện dự án, nhà đầu tư có thể có luôn quyền khai thác mà không cần xin phép nữa; giảm được 1 thủ tục hành chính", ông Hậu nêu.

Giá khởi điểm đấu giá cần phù hợp thực tiễn, tránh thất thu

Về phương thức đấu giá, ông Tạ Đình Thi phản ánh, tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã có một mục riêng về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và nỗ lực hoàn thiện. Tuy nhiên, theo ông, các quy định cần nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp.

Ông dẫn ví dụ, hiện Nghị định 22 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định giá khởi điểm trong đấu giá khai thác khoáng sản không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Quy định tại Nghị định 22 đáng ra cần được đưa vào luật, nhưng dự luật hiện nay (tại điều 106) lại quy định mức giá khởi điểm bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

"Tôi nghĩ quy định như vậy không phù hợp với thực tế và cũng không phù hợp với tinh thần Nghị định 22. Chúng tôi thấy chỗ này cần phải điều chỉnh, ít nhất phải bằng Nghị định 22 để phù hợp và để làm cơ sở tham chiếu cho giá khởi điểm", ông Thi kiến nghị.

Đây cũng là vấn đề nhiều chuyên gia cho rằng bất hợp lý trong thực tế. Trong khi Nghị định 22 quy định giá khởi điểm trong đấu giá khai thác khoáng sản không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì Thông tư liên tịch 54 của Bộ TN-MT và Bộ Tài chính lại hướng dẫn giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản xác định bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Thực tế với khoáng sản bauxite, giá quặng nguyên khai tính thuế năm 2023 của tỉnh Đắk Nông là 390.000 đồng/tấn. Theo hướng dẫn tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (tại Nghị định 67 năm 2019) thì 1 tấn quặng bauxite (tính ở mức 390.000 đồng) có tiền cấp quyền khai thác là 6.318 đồng (khoảng 0,3 USD/tấn).

Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác bauxite là từ 5 - 6 USD/tấn. Giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác bauxite tại Ấn Độ còn cao hơn nữa.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn luật sư TP.Hà Nội phân tích, với mức chênh lệch 4 - 5 USD/tấn quặng bauxite, nếu Việt Nam giữ mức đấu giá khởi điểm như hiện nay thì ngân sách nhà nước có thể thu thêm được hoặc sẽ mất đi nguồn thu khoảng gần 20 tỉ USD.

"Nếu dự thảo vẫn giữ nguyên quy định về xác định giá khởi điểm như hiện nay thì việc thất thu ngân sách trong hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản là rất lớn", luật sư Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.