Đề xuất doanh nghiệp nhà nước được tự quyết định chính sách tiền lương

27/09/2024 16:57 GMT+7

Tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước sẽ được điều chỉnh theo hướng gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo đảm tiệm cận với mặt bằng tiền lương trên thị trường.

Bộ LĐ-TB-XH vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.

Đề xuất doanh nghiệp nhà nước được tự quyết định chính sách tiền lương- Ảnh 1.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất mức lương cơ bản của các lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước sẽ được chia theo nhiều mức

ẢNH: NGỌC THẮNG

Đối tượng áp dụng tại dự thảo gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; người lao động là sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an.

Tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng (gọi chung là ban điều hành).

Chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị (gọi chung là thành viên hội đồng).

Trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên (gọi chung là kiểm soát viên).

Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, cơ chế tiền lương, thưởng tại doanh nghiệp nhà nước hiện đang bộc lộ nhiều bất cập như: có sự phân biệt giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước; chính sách tiền lương chưa phân biệt rõ theo quy mô năng suất và hiệu quả giữa doanh nghiệp; lương của người quản lý còn thấp…

Tại dự thảo lần này, Bộ LĐ-TB-XH xây dựng nghị định theo hướng tiền lương phải gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng đến bảo đảm tiệm cận với mặt bằng tiền lương trên thị trường.

Các doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương; thực hiện giao khoán chi phí tiền lương, bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp.

Cạnh đó, dự thảo nghị định cũng phân định rõ tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với ban điều hành. Trong đó, ban điều hành hưởng chung quỹ tiền lương với người lao động và có khống chế mức hưởng tối đa của tổng giám đốc so với mức lương bình quân của người lao động. Tiền lương thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương.

Lương tối đa của chủ tịch hội đồng thành viên cao nhất là 160 triệu đồng/tháng

Cơ quan soạn thảo đề xuất mức lương cơ bản của các lãnh đạo chủ chốt trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được chia theo nhiều mức. Trong đó, chủ tịch hội đồng thành viên có mức lương cơ bản cao nhất là 80 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 32 triệu đồng/tháng. Trưởng ban kiểm soát mức cao nhất là 66 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 26 triệu đồng/tháng. Thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, kiểm soát viên mức lương cơ bản cao nhất là 66 triệu đồng/tháng và thấp nhất 25 triệu đồng/tháng.

Mức tiền lương cơ bản sẽ là căn cứ tính mức lương kế hoạch và được quy định gắn với 3 chỉ tiêu: vốn, doanh thu, lợi nhuận chia theo ngành, lĩnh vực và không dựa vào xếp hạng như quy định hiện hành.

Theo đó, doanh nghiệp có lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn thực hiện của năm trước thì tiền lương kế hoạch tối đa bằng hai lần mức lương cơ bản, mức lương tối đa của chủ tịch hội đồng thành viên cao nhất là 160 triệu đồng/tháng.

Về tiền lương và thưởng của người lao động và ban điều hành, cơ quan soạn thảo đề xuất nhà nước chỉ quy định nguyên tắc và giao cho doanh nghiệp xác định, chi trả theo quy chế của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dự thảo nghị định khống chế mức hưởng tối đa của tổng giám đốc không vượt quá 10 lần so với mức lương bình quân chung của người lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.