Đề xuất đưa chuẩn mực đạo đức nhà giáo vào luật để bảo vệ học sinh

12/03/2019 13:15 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung chuẩn mực đạo đức nhà giáo vào luật Giáo dục, để ngăn chặn tình trạng giáo viên có hành vi bạo hành, xâm hại học sinh như vừa qua.

Sáng 12.3, thảo luận về luật Giáo dục sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thời gian gần đây nổi lên một số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục.
“Dù là cá biệt nhưng dư luận rất quan tâm, vì xưa nay nghề giáo là nghề cao quý, được người dân tôn trọng”, bà Nga nói và cho biết, mặc dù chỉ có một số người lệch chuẩn, vi phạm pháp luật bị xử lý nhưng tác động rất lớn tới tâm lý xã hội.
Từ đó, bà Nga đề nghị cần phải xác định trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, xã hội trong việc bảo vệ người học.
Bên cạnh đó, theo bà Nga, trong các quy định về tiêu chuẩn nhà giáo và những hành vi nhà giáo không được làm, chưa có quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức của nhà giáo.
Theo bà Nga, chuẩn mực đạo đức của ngành rất quan trọng, như ngành y có chuẩn mực về y đức.
“Tôi không rõ ngành giáo dục đã ban hành quy chuẩn về đạo đức, chuẩn mực ứng xử chưa, và nếu chưa thì tôi đề nghị đưa vào điều 67 về tiêu chuẩn giáo viên, quy định cụ thể giáo viên phải đáp ứng chuẩn mực trong bộ quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định, để giáo viên thực hiện, tránh những trường hợp như vừa qua”, bà Nga kiến nghị.

Thiếu quy định chuẩn mực đạo đức nhà giáo ngoài giờ chính khóa

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải góp ý thêm, trong dự Luật, tất cả các quy định về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm... của nhà giáo đều là quy định trong giờ học chính khoá. Tuy nhiên, những sự việc xảy ra gần đây như việc thầy giáo ở Bắc Giang có những hành vi không đúng mực với học sinh lớp 5 A Trường tiểu học Tiên Sơn lại xảy ra vào giờ dạy thêm, sau khi thầy giáo uống rượu.
Bà Hải cho rằng, nếu luật không quản lý việc thầy cô giáo ngoài giờ dạy chính, ở các giờ dạy thêm đó thì ai quản lý? Thầy giáo phải hành xử thế nào?
"Nếu xảy ra sai phạm thì xử lý theo pháp luật, nhưng việc quản lý nhà nước đối với vấn đề này ra sao? Đây là vấn đề tôi rất trăn trở, đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số điều liên quan đến vấn đề này. Thầy dâm ô học sinh tại lớp học thêm hoặc tại nhà học sinh khi dạy gia sư thì thế nào?", bà Hải nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình cho rằng, vấn đề đạo đức giáo viên đang được xã hội quan tâm, ban soạn thảo cần điều chỉnh trong dự Luật sửa đổi.
Đầu tháng 3, cả nước xảy ra nhiều vụ giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo, gây bức xúc, lo ngại trong dư luận xã hội.
Tại Bắc Giang, ông Dương Trọng Minh (38 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Tiên Sơn) bị một số phụ huynh tố giác có hành vi uống rượu, sờ soạng nhiều học sinh. Công an huyện Việt Yên sau khi điều tra đưa ra kết luận ông Minh "véo tai, sờ mông và đùi" một số học sinh, không đủ chứng minh hành vi dâm ô.
Tại Thái Bình, một thầy giáo giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Thái Bình cũng bị “tố” nhắn tin tán tỉnh, “gạ tình” học sinh đang được cơ quan quản lý xác minh, xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.