Đề xuất gần 3 tỉ USD xây nhà cho công nhân

30/10/2021 06:13 GMT+7

Nếu Chính phủ đồng ý cấp 65.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội , nhà công nhân như kiến nghị của Bộ Xây dựng thì cả nền kinh tế được hưởng lợi rất lớn, không chỉ riêng người lao động .

An sinh cho người lao động

Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết tháng 7 vừa qua, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp (KCN). Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chấp nhận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi KT-XH sau dịch Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các KCN, KCX với 2 gói tín dụng có tổng số tiền 65.000 tỉ đồng. Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Đáng chú ý là gói tín dụng 50.000 tỉ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng được vay ưu đãi gồm công nhân, người lao động làm việc trong các KCN; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân KCN thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của luật Nhà ở.

Nhà ở xã hội HQC Plaza (xã An Phú Tây, H.Bình Chánh)

Ngọc Dương

Thứ trưởng Sinh cho biết nếu kiến nghị được Chính phủ chấp thuận, nguồn vốn đầu tư công được “bơm” ra sẽ tạo động lực lớn, tác động tích cực lên nhiều mặt của nền kinh tế.

Giải đáp thắc mắc về khó khăn liên quan đến quỹ đất, theo Thứ trưởng Sinh, Bộ Xây dựng đã kiến nghị cơ chế gắn chặt trách nhiệm của UBND các tỉnh, TP. Cụ thể, phải quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động tại các KCN trên địa bàn. Đồng thời, rà soát việc sử dụng quỹ đất các KCN hiện hữu để quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê. Trong kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, địa phương cũng phải rà soát, bổ sung dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân. Song song với đó, phải có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, TP. Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Rà soát, tổng hợp và lập danh mục các dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, dự án nhà lưu trú công nhân trên địa bàn đáp ứng tiêu chí xét duyệt có đề nghị vay vốn hỗ trợ và gửi về Bộ Xây dựng để được xem xét cho vay.

Nhà ở xã hội Đặng Xá tại H.Gia Lâm, Hà Nội là kết quả được thụ hưởng từ gói 30.000 tỉ đồng

Lê Quân

“Sức lan tỏa thực sự rất lớn”

Chia sẻ về “cục tiền to” 65.000 tỉ đồng Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ để làm nhà ở cho người lao động, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), bày tỏ vui mừng cho rằng: “Tôi cũng như nhiều người lao động đang nóng lòng chờ Chính phủ sẽ chấp thuận kiến nghị của Bộ Xây dựng. Cứ nhìn hiệu quả của gói 30.000 tỉ đồng triển khai từ 2013 - 2016 với 30% cho chủ đầu tư, 70% là cho người mua nhà vay, lãi suất phổ biến là 5%/năm đã tạo ra sức mạnh lan tỏa rất lớn đến nền kinh tế. Hàng nghìn gia đình đã có chỗ ở ổn định, lại giải quyết được lượng lớn tồn kho bất động sản, giảm nợ xấu, tạo đà phục hồi mạnh cho thị trường bất động sản - thị trường đầu tàu liên quan đến nhiều ngành kinh tế. Vì thế, nếu đề xuất của Bộ Xây dựng được Chính phủ thông qua thì sức lan tỏa thực sự rất lớn. Chưa kể, bất động sản liên quan đến hơn 30 ngành nghề khác: vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công, máy xây dựng… Từ đó tạo ra được vô số việc làm để thu hút được nhân công trở lại làm việc thay vì dòng người di tản về quê dẫn đến thiếu hụt lao động như hiện nay. Nhân công có niềm tin trở lại lao động an toàn cũng là điều kiện tiên quyết của phục hồi sản xuất, đem lại sức sống cho nền kinh tế… “Từ đó, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy đảm bảo rằng hoạt động sản xuất ở nước ta vẫn bình thường, an toàn, không những giúp giữ chân mà còn thu hút được thêm dòng vốn FDI vào”, ông Châu phân tích.

Chủ tịch HOREA cũng bày tỏ rất hào hứng với kiến nghị dồn lực làm nhà ở xã hội, nhà công nhân do đây là điều kiện tiên quyết, phù hợp với tư duy an cư lập nghiệp của người Việt. Đơn cử như ở TP.HCM có 3 triệu người nhập cư, Bình Dương có đến quá nửa dân số là người nhập cư…, nếu cơ chế chính sách hỗ trợ đúng, trúng về nhà ở sẽ giúp lực lượng lao động lớn này ổn định đời sống, tránh được bất ổn trong sản xuất.

Ông Châu cho rằng trước mắt cần cấp bách nâng cấp chất lượng nhà trọ công nhân. Nguồn vốn trong khi chờ các gói tín dụng lớn thì có thể xem xét triển khai luôn gói 3.000 tỉ đồng để xây dựng nhà ở xã hội (1.000 tỉ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 2.000 tỉ đồng cho các ngân hàng thương mại) được nhà nước thông qua vào tháng 4.2020. Gói này tuy nhỏ nhưng sẽ tạo ra sức lan tỏa ngay, giải quyết được nhiều nhu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, mỗi địa phương, nhất là các tỉnh có các KCN lớn, cần rà soát ngay để đề xuất chuyển đổi những khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại sang nhà công nhân để tạo điều kiện an sinh tốt cho lực lượng có sức lao động lớn trong xã hội, thúc đẩy ổn định sản xuất, phục hồi kinh tế.

Đồ họa: Thúy Ngọc

Nguồn vốn mồi…

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, nhìn nhận nhu cầu nhà ở xã hội, nhà công nhân lâu nay rất lớn mà chưa được quan tâm nhiều. Nếu 65.000 tỉ đồng được Chính phủ chấp thuận cũng chỉ là nguồn vốn mồi để kích thích các nguồn lực khác của xã hội dồn vào phát triển nhà ở cho người lao động. Nguồn vốn này và cơ chế chính sách hỗ trợ sẽ tác động đến thị trường tài chính, hút vốn vào ngành xây dựng, sản xuất, phân bổ đồng đều hơn nguồn lực kinh tế.

Nếu đề xuất của Bộ Xây dựng được Chính phủ thông qua thì sức lan tỏa thực sự rất lớn. Chưa kể, bất động sản liên quan đến hơn 30 ngành nghề khác: vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công, máy xây dựng… Từ đó tạo ra được vô số việc làm để thu hút được nhân công trở lại làm việc...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

“Đáng lẽ ra, việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân phải được chú trọng từ lâu, trước khi có dịch Covid-19 để giúp người lao động ổn định cuộc sống, hạn chế được tình trạng thiếu hụt lao động tại các KCN, KCX như hiện nay. Nhưng muộn còn hơn không…”, PGS-TS Thịnh nói, nhưng cũng cho rằng sẽ khó khăn để bố trí đầy đủ được 65.000 tỉ đồng khi ngân sách đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi nguồn lực còn hạn chế thì cần phải biết tập trung vào những địa phương trọng điểm, đối tượng cụ thể đang cần kíp được hỗ trợ chứ không nên chung chung, khó tạo ra hiệu quả rõ rệt. Có thể chọn địa bàn TP.HCM, Bình Dương… làm trọng điểm trước, do đó là những nơi tập trung dân số cao, có nhiều KCN, KCX, từ đó đánh giá hiệu quả.

TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN, cho rằng kiến nghị cấp 65.000 tỉ đồng của Bộ Xây dựng nếu được chấp thuận sẽ giống như “trận mưa rào đổ xuống vùng đất hạn hán”, tạo động lực phát triển không chỉ cho ngành bất động sản mà còn nhiều ngành khác của xã hội. Tuy nhiên, về ưu đãi cho các chủ đầu tư cần phải xem xét lại, vì thực tế hiện nay, doanh nghiệp không mấy mặn mà với cơ chế ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cần phải rà soát lại chính sách ưu đãi đã thật sự ưu đãi chưa, nhất là cơ chế về vốn, quỹ đất xây nhà ở cho người lao động. Bên cạnh đó là những vấn đề cần làm rõ hơn như cơ chế giám sát thực hiện, kiểm soát đối tượng hưởng ưu đãi. Nếu không kiểm soát tốt, công khai, rất dễ nảy sinh tiêu cực, ưu đãi sẽ không đến được đối tượng cần thiết.

Ai sẽ được vay tiền từ gói tín dụng 65.000 tỉ đồng ?

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm trong 5 - 15 năm.

Công nhân KCN vay thuê nhà ở, thuê nhà lưu trú thì chỉ cần có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong KCN. Với trường hợp vay mua, thuê mua thì cần đáp ứng đủ các điều kiện về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập theo quy định của pháp luật nhà ở xã hội hiện hành (khoản 16 điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều 22 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội). Điều kiện để chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê, vay đầu tư xây nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua được vay vốn là đã có quyết định chủ trương đầu tư, đã có đất sạch, đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng. Việc cho vay sẽ ưu tiên với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai thực hiện nhưng bị dừng do thiếu vốn, dự án đã hoàn thành xây dựng xong phần móng; dự án đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo phân kỳ đầu tư (nếu có).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.