Đề xuất giải pháp cấp bách để phân luồng, hướng nghiệp hiệu quả

06/12/2024 18:44 GMT+7

Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, các chuyên gia, nhà khoa học… đề xuất nhiều phương án tháo gỡ khó khăn về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trung học.

Ngày 5.12, theo thông tin từ website của Bộ GD-ĐT, Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trung học.

Hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phải được nghiên cứu kỹ lưỡng

Trong phiên họp diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết trong bối cảnh già hóa dân số có xu hướng tăng nhanh, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện căn cơ, bài bản, tổng thể phù hợp với bối cảnh, áp dụng được vào thực tiễn.

Do vậy, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu phiên họp cần tập trung thảo luận về một số điểm nghẽn, nút thắt và các giải pháp để làm tốt hơn giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào định hướng, phân luồng…

Đề xuất giải pháp cấp bách để phân luồng, hướng nghiệp hiệu quả- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại phiên họp

ẢNH: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Cần thay đổi nhận thức về việc học nghề

Tại phiên họp, GS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về việc học nghề. “Chữ nghề đi cùng chữ nghiệp nên phải chú trọng các chính sách về đầu ra cho các nghề nghiệp đã được định hướng trong nhà trường cũng như đào tạo sau khi phân luồng. Hướng đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo công bằng. Như vậy mới thay đổi được nhận thức, thuyết phục được xã hội”, GS Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng phải bắt đầu từ nhu cầu của học sinh. Muốn học sinh có nhu cầu, sở thích hướng nghiệp thì 100% giáo viên ở các trường phải có nhận thức đầy đủ về công tác này. Điều này cũng phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, thời gian qua, công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh đã được thực hiện linh hoạt, lồng ghép chủ động trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, hướng nghiệp được thực hiện thông qua giảng dạy các môn văn hóa, hoạt động trải nghiệm, tổ chức học tập qua các dự án học tập, cuộc thi khởi nghiệp, khoa học kỹ thuật, ngày hội STEM…

PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Huyền đề xuất cần cải tiến khung pháp lý về giáo dục phân luồng, xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh, cải tiến chương trình đào tạo sau THPT, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp, theo dõi và đánh giá hiệu quả phân luồng học sinh THPT. Cùng với đó cơ chế giám sát, đánh giá nâng cao hiệu quả chương trình.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhận định một trong những nguyên nhân chính khiến công tác phân luồng, định hướng phân luồng trong các nhà trường còn gặp khó khăn nằm ở chính sách và nguồn lực. Đội ngũ làm công tác hướng nghiệp phần lớn là nghiệp dư, thiếu kỹ năng chuyên sâu. Vì vậy, giải pháp cấp bách nhất là cần có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đưa ra những chính sách tài chính cụ thể, hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp và phân luồng thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân sách địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.