Hơn 18 giờ, những người trẻ sau một ngày làm việc lại rảo bước thật nhanh trở về nhà. Nhưng tầm này với họ - tan làm lúc 6-7 giờ tối vẫn là sớm hơn thường lệ. Gần như phần lớn thời gian trong ngày là dành cho công việc, vòng lặp quen thuộc làm việc - ăn uống - ngủ nghỉ - rồi lại làm việc - cứ thế bám lấy những lao động trẻ tại Việt Nam.
Kể cả là người đã đi làm nhiều năm hay mới ra trường, khát khao thể hiện mình trong công việc vẫn luôn được ưu tiên.
Đề xuất giảm giờ làm để hẹn hò: Người trẻ có thực sự cần?
Tan làm vào khung 17 giờ rưỡi chiều, nhưng với nhiều người, hết giờ không có nghĩa là hết việc. "Thường thì công việc ở trên công ty bọn mình cũng mang về nhà làm nhiều nên thời gian ở nhà cũng là để giải quyết một phần công việc ở công ty. Thành ra tuy tan làm khá sớm nhưng cũng rất ít có thời gian để đi chơi", Nguyễn Tuấn Anh (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ.
Lo ngại công việc ngốn hết thời gian của lao động trẻ tại Việt Nam, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, mới đây đã đưa ra đề xuất giảm giờ làm việc của người lao động, thay vì là 48 giờ/ tuần thì theo đề xuất, thời gian làm giảm còn (8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
Theo GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, công tác dân số hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức như một số vấn đề thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững.
Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm. Tại TP.HCM, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam, góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số. GS-TS Nguyễn Thiện Nhân nhận định nguyên nhân của mức sinh giảm là do xu hướng kết hôn muộn, nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn.
26 tuổi, có công việc, có thu nhập tốt nhưng Đỗ Thúy Vi vẫn miệt mài dành phần lớn thời gian trong ngày cho công việc. Thay vì gặp gỡ, tìm kiếm người yêu, Thúy Vi gặp khách hàng là chính. Bởi theo cô gái trẻ này, muốn kết hôn và sinh con, tài chính là yếu tố cực kỳ quan trọng, muốn con cái có cuộc sống tốt thì trước mắt cô phải nỗ lực làm việc nhiều hơn.
"Có con thì phải có nhà. Lấy chồng sinh con rồi thì mình cũng muốn cho con mình cuộc sống tốt đẹp về mặt thể chất lẫn giáo dục. Nó có chút khác so với ngày xưa, thời ba mẹ mình họ thoải mái hơn, không cần phải suy nghĩ quá nhiều là cần phải có tiền thì mới sinh con", Thúy Vi chia sẻ.
Trong một báo cáo dữ liệu về giới trẻ ở Nhật Bản với câu hỏi "Hãy tưởng tượng khi bạn 40 tuổi" dành cho những đối tượng khảo sát trong độ tuổi 13-29 tuổi nói về tầm nhìn tương lai, có đến 58% trong số đó nghĩ khi đó họ đã có gia đình; ngược lại, gần 40% người được khảo sát cho rằng họ có thể không lập gia đình trong độ tuổi 40. Theo dữ liệu này, tỉ lệ không kết hôn ở những người 40 tuổi vào năm 2040 ở Nhật Bản có thể vượt quá 40%.
Tại Việt Nam, tình trạng người trẻ kết hôn muộn đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Cách đây không lâu, sau gợi ý của lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra trong hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp", cổng Thông tin Chính phủ đã đăng tải thông tin ''vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn (khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi)" do Bộ Y tế phát động, thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Trong khi các bậc làm cha, làm mẹ có con trong độ tuổi kết hôn hết sức ủng hộ và đồng tình với thông tin phát động này thì nhiều người trẻ đã gần 30 tuổi vẫn "bình chân như vại", bởi với họ, còn rất nhiều thứ khác để ưu tiên và nếu muốn kết hôn, chỉ tình yêu là không đủ.
Bình luận (0)