Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dầu khí xuống 20%

26/07/2022 14:49 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, các cơ chế thu hút đầu tư trong luật Dầu khí sửa đổi vẫn chưa đủ hấp dẫn, dù mục đích của việc sửa đổi luật Dầu khí lần này là nhằm tháo các "điểm nghẽn" về đầu tư.

Ngày 26.7, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu - cạnh tranh tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật Dầu khí sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phát biểu tại hội thảo

gia hân

Tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần thiết kế thêm các chính sách để thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Đồng thời, cần làm rõ các khái niệm về áp dụng chính sách ưu đãi trong hoạt động xuất - nhập dầu khí.

Mặt khác, dự thảo Luật cũng nên thiết kế bổ sung quy định về tước bỏ ưu đãi với nhà đầu tư trong trường hợp nào, phòng trường hợp bị lạm dụng ưu đãi. Ưu đãi phải có nguyên tắc, có quy định việc thu hồi ưu đãi nếu sai phạm, không tuân thủ các quy định.

Về chính sách cụ thể, ông Phong đề xuất nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% như dự thảo xuống còn 20%; tăng thuế xuất khẩu dầu thô lên gấp đôi (dự thảo đang quy định 5% - PV), nếu không lại xảy ra câu chuyện “mua đắt mua rẻ”. Đồng thời, phải đặc biệt chú ý tới vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Mức thuế suất ưu đãi doanh nghiệp dầu khí các nước

Theo Bộ Công thương, mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%.

Đồng tình cần có điều khoản, quy định về "thu hồi ưu đãi", TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và cạnh tranh, cho rằng thực tế việc này cũng theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, cách thể hiện trong luật thế nào để mang tính cảnh báo nếu trường hợp nhà đầu tư không đảm bảo môi trường, công nghệ, đầu tư…

“Khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, nếu họ “đem lại chiếc bánh to hơn” thì sẽ có chính sách kéo dài ưu đãi, mang tính chất “thưởng” cho họ. Do đó, nên thiết kế chính sách thưởng ưu đãi cho nhà đầu tư trong thăm dò, khai thác dầu khí”, ông Thành nêu.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương hiệu - cạnh tranh, chủ trì hội thảo

gia hân

Tiến sĩ Đoàn Văn Thuần, Viện Dầu khí Việt Nam, thì đề xuất có thêm cơ chế đặc thù cho các phép các nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí có quyền chôn lấp CO2 với mỏ dầu khí đó theo cách Indonesia đang làm hiện nay.

Theo ông Thuần, đây cũng là cách để thực hiện giảm phát thải CO2 nhằm thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 vừa qua.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng đánh giá đây là đề xuất mới chưa có trong dự thảo luật Dầu khí sửa đổi đang được Quốc hội bàn. “Cơ chế này giống như tín chỉ các - bon, doanh nghiệp có đóng góp thì có ưu đãi cho họ”, ông Thành nói.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, cho biết số lượng hợp đồng dầu khí ký mới giảm mạnh qua các năm.

Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2014 có khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ 2015 - 2019 mỗi năm chỉ ký được 1 hợp đồng; và 2 năm gần nhất (2020, 2021) không có hợp đồng nào.

Từ đó, ông Diên cho rằng việc bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực là hết sức cần thiết. Đây cũng là nội dung chính trong việc sửa đổi luật Dầu khí lần này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.