Tại Hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vừa được công bố, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã đề xuất cần thiết rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế.
![Đề xuất giảm trừ lãi vay mua nhà trước khi tính thuế thu nhập cá nhân- Ảnh 1. Đề xuất giảm trừ lãi vay mua nhà trước khi tính thuế thu nhập cá nhân- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/528068263637045248/2023/7/3/tien-16883885325571099616307.jpg)
Chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện khá lạc hậu, cần nhanh chóng sửa đổi, giảm gánh nặng cho người nộp thuế
ẢNH: NGỌC THẮNG
Phạm vi các khoản chi được giảm trừ và mức độ được giảm trừ đối với các khoản chi cần được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân dưới phương diện là một công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại thu nhập trong nền kinh tế.
Phân tích cơ sở để đưa ra đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, hầu hết pháp luật thuế thu nhập cá nhân của các nước đều có quy định về việc giảm trừ theo các hình thức, cách thức khác nhau.
Các nước thường chia thành 3 nhóm: giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc, như giảm trừ cho con, cho vợ hoặc chồng, cho bố, mẹ...; các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (ví dụ, giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục...).
Pháp luật về thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam đã quy định cho phép giảm trừ đối với 2 nhóm đầu. Luật cũng quy định không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản trợ cấp, phụ cấp đặc thù, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo...
"Các khoản giảm trừ đặc thù là các khoản giảm trừ mà người nộp thuế được hưởng khi đáp ứng được một số tiêu chí nhất định. Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này; có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, giáo dục của con; có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp...", Bộ Tài chính thông tin.
Đề xuất giảm trừ chi phí y tế, giáo dục, nhà ở
Góp ý về đề nghị xây dựng luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tài chính đánh giá đầy đủ tác động kinh tế - xã hội với chính sách "hoàn thiện quy định về giảm trừ gia cảnh, giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo và các khoản giảm trừ đặc thù khác".
Theo đó, cần tính đến các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán nhằm bảo đảm mục tiêu góp phần giảm bớt gánh nặng thuế cho người nộp thuế.
![Đề xuất giảm trừ lãi vay mua nhà trước khi tính thuế thu nhập cá nhân- Ảnh 2. Đề xuất giảm trừ lãi vay mua nhà trước khi tính thuế thu nhập cá nhân- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/10/dinh-son-17391758754161422226101.jpg)
Chuyên gia đề xuất luật mới nên bổ sung giảm trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân cho các khoản liên quan tới y tế, giáo dục và nhà ở
ẢNH: ĐÌNH SƠN
Đồng tình theo hướng đề xuất của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải xem xét những chi tiêu hợp lý, hợp pháp như khám chữa bệnh, đi học nâng cao nghiệp vụ tay nghề hay lãi vay mua nhà… vào các khoản được giảm trừ trước khi tính thuế.
Chuyên gia thuế TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cũng bày tỏ quan điểm, luật mới nên bổ sung giảm trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân cho các khoản liên quan tới y tế, giáo dục và nhà ở, dựa trên căn cứ hóa đơn chứng từ của người nộp thuế.
"Ví dụ, người nộp thuế cho con đi học ở nước ngoài, cung cấp chứng từ đầy đủ thì nên được giảm trừ. Khoản chi phí khám, chữa bệnh cho người nộp thuế cũng như người thân trong gia đình, sau khi trừ các chi phí do bảo hiểm chi trả cũng nên được giảm trừ. Với khoản lãi vay mua nhà trả góp cũng tương tự; hợp đồng vay tiền, mức lãi suất phải nộp đều khá rõ, dễ dàng tính toán", ông Tú nói.
Nhấn mạnh luật mới cần đảm bảo tính chất thuế thu nhập cá nhân là doanh thu trừ đi chi phí thực tế, thu nhập còn lại mới bị đánh thuế, vị chuyên gia tính toán, với câu chuyện mua nhà, thông thường người dân đều phải tích lũy nhiều năm.
"Một căn chung cư ở các thành phố lớn như Hà Nội hiện nay tối thiểu cũng 5 tỉ đồng. Nếu lãi vay mua nhà trả góp được trừ vào chi phí trước khi tính thuế, người dân không bao giờ phải nộp thuế thu nhập cá nhân", ông Tú nói.
Vị chuyên gia còn đề xuất có thể nghiên cứu triển khai theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ví dụ, luật đưa ra quy định trong tiền lãi vay mua nhà trả góp, người dân được tính toán giảm trừ một khoản tối đa là bao nhiêu hoặc được giảm trừ theo tỷ lệ khoảng 50% số lãi vay phải trả hàng tháng. Với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, có thể nghiên cứu để áp dụng tương tự.
Bình luận (0)