Đề xuất giữ nguyên trạng di tích tâm linh thời Lý

18/11/2014 05:00 GMT+7

Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN vừa có Văn bản số 2116/KHXH gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo niên đại, tên gọi, giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di tích tâm linh đặc biệt thời Lý ở lô E.

>> Kiến trúc đặc biệt của di tích tâm linh thời Lý
>> Phải kiểm tra ngay việc xâm hại công trình tâm linh thời Lý
>> Công trình tâm linh đặc biệt thời Lý kêu cứu

Khu di tích tâm linh đặc biệt thời Lý - Ảnh: Viện hàn lâm khoa học xã hội VN cung cấp
Khu di tích tâm linh đặc biệt thời Lý - Ảnh: Viện hàn lâm khoa học xã hội VN cung cấp 

Văn bản ký ngày 10.11, sau nửa tháng kể từ khi Viện Khảo cổ gửi Văn bản số 400/KCH báo cáo Viện hàn lâm về thực trạng xâm hại khu vực di tích tâm linh đặc biệt tại lô E khu vực khai quật khảo cổ học Vườn Hồng, Q.Ba Đình, Hà Nội.

Có 2 nhóm vấn đề được Viện kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sau khi tham vấn chuyên gia.

Thứ nhất, Viện đề nghị Thủ tướng cho phép trước mắt bảo tồn nguyên trạng di tích tế lễ trời - đất của các hoàng đế đầu thời Lý trong phạm vi diện tích tối thiểu còn khoảng 400 m2. Diện tích này không tính diện tích có thể sẽ khai quật thêm ở phía tây bắc của di tích. Trong thời gian các chuyên gia nghiên cứu đề xuất phương án bảo tồn khả thi, Viện Khảo cổ học sẽ  tạm thời lấp đất che phủ hết cọc gỗ của di tích.

Đồng thời, để bảo đảm tiến độ xây dựng gara đỗ xe, đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng Nhà Quốc hội nghiên cứu các giải pháp thi công đường hầm và gara đỗ xe ngầm Nhà Quốc hội sao cho bảo vệ tuyệt đối an toàn di tích. Hiện nay, việc kè cừ sâu 4 m trong khi tường vây gara sâu 14 - 19 m, trong điều kiện áp sát di tích là rất khó có thể bảo đảm nguyên trạng di tích. Do đó, các giải pháp thi công cần được các bên chuyên môn và quản lý liên quan thẩm định. Mọi việc thi công chỉ nên được tiến hành ngoài vùng lõi và tuân thủ nghiêm sự hướng dẫn của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), Viện Khảo cổ học…, tránh tình trạng việc thi công vừa qua đã làm xâm hại khá mạnh tính nguyên trạng của di tích.

Theo thiết kế, gara đỗ xe sẽ cao hơn mặt bằng hiện tại khoảng 4 m. Do vậy, đề nghị cần có thiết kế mái che và lối lên xuống cho di tích để đảm bảo thoát nước mưa và các chuyên gia ra vào nghiên cứu khi cần thiết.

Thứ hai, việc nghiên cứu xây dựng phương án bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tâm linh này cần được xem xét trong sự kết nối với phương án nghiên cứu và bảo tồn tổng thể Di sản Hoàng thành Thăng Long. Chính vì thế, các nhà khoa học kiến nghị khai quật mở rộng kiến trúc tâm linh với diện tích khoảng 200 m2 nhằm làm rõ kết cấu mặt bằng tổng thể của kiến trúc.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng kiến nghị khai quật mở rộng kiến trúc Bát Giác về phía nam và phía đông với diện tích khoảng 500 m2, nhằm bộc lộ toàn bộ kết cấu mặt bằng kiến trúc Bát Giác. Đồng thời, xem xét bảo tồn nguyên trạng tại chỗ di tích Bát Giác thời Lý vốn nằm thẳng trục với di tích tâm linh Đàn tế trời... Từng bước tiến hành khai quật tổng thể khu C - D với diện tích khoảng 20.000 m2 nhằm làm bộc lộ toàn bộ giá trị của khu di sản.

Cuối cùng, trên cơ sở khai quật, Viện sẽ tiến hành nghiên cứu đề xuất phương án bảo tồn nguyên trạng và phát huy giá trị tổng thể của di sản với 2 trục di tích tiêu biểu. Đó là trục trung tâm gồm Cột Cờ - Đoan Môn - Điện Kính Thiên - Bắc Môn với điểm nhấn là chính điện Kính Thiên nơi thiết lễ đại triều của các vương triều quân chủ VN. Trục di tích tâm linh gồm Đàn tế trời - kiến trúc Bát Giác và các kiến trúc khác thời Lý.

Trinh Nguyễn

>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 21: Tấm bia tôn vinh Phật pháp thời Lý
>> Dấu tích tháp thời Lý cao 30m
>> Phát hiện khảo cổ quan trọng thời Lý: Kiến trúc quốc tự chưa từng có

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.