Đề xuất gói 6.000 tỉ đồng đào tạo lại lao động

19/03/2021 05:30 GMT+7

6.000 tỉ đồng dự kiến được trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 .

Đây là nội dung đáng chú ý mà Bộ LĐ-TB-XH vừa lấy ý kiến các bộ, ngành và các hiệp hội trước khi trình Thủ tướng vào cuối tháng 3 này, đang được doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) quan tâm.

1 triệu lao động được hỗ trợ

Theo dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB-XH dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu NLĐ được hỗ trợ với mức đề xuất hỗ trợ học nghề là 1 triệu đồng/người/tháng trong thời gian tối đa 6 tháng. Tổng số kinh phí sẽ vào khoảng 6.000 tỉ đồng, từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết 31.12.2020, Quỹ BHTN còn kết dư khoảng 84.000 tỉ đồng. Số người thất nghiệp được trợ cấp đạt khoảng hơn 1 triệu người, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền chi trả trực tiếp cho NLĐ là hơn 16.000 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Số người hưởng hỗ trợ học nghề giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019 (21.000 người). Hàng triệu lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động.
Gói hỗ trợ đào tạo lại nghề hướng tới NLĐ thuộc các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị sử dụng lao động có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Thay vì hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ, dự thảo đề xuất triển khai thông qua người sử dụng lao động đang quản lý NLĐ gặp khó khăn do Covid-19.
Cụ thể, DN được hỗ trợ khi có đủ 4 điều kiện: đóng đủ BHTN cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN liên tục từ đủ 12 tháng trở lên, tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid-19; có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ phản ánh việc giảm doanh thu từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; có phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ... DN có nhu cầu gửi hồ sơ về Bộ LĐ-TB-XH xem xét, quyết định.
Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết dự thảo đã lấy ý kiến của 12 bộ, ngành; 12 hiệp hội, DN; 4 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Cục Việc làm đang tổng hợp các ý kiến và sẽ trình Chính phủ thông qua trong tháng này. Nếu được thông qua, có thể bắt đầu áp dụng ngay trong quý 2/2021; thời hạn áp dụng hỗ trợ dự kiến kéo dài trong 1 năm, kể từ ngày chính sách được ban hành.

Cần hướng dẫn cụ thể

Trước đề xuất trên, đại diện các hiệp hội và DN cho rằng đây là chủ trương hợp tình, hợp lý và làm càng sớm càng tốt.

Chi hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm chưa nhiều

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), Quỹ BHTN có 3 nội dung để chi, gồm: hỗ trợ NLĐ trong thời gian nghỉ việc do mất việc; hỗ trợ đào tạo nghề; và hỗ trợ việc làm. “Trong quá trình tổng kết Quỹ BHTN cho thấy, chủ yếu nguồn chi là chi cho trợ cấp, còn chi cho hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm chưa nhiều. Trong khi đó, việc hỗ trợ NLĐ bước vào thị trường  lao động mới sau khi mất việc là cần thiết, để họ có công việc mới, vị trí mới, cơ hội việc làm phù hợp. Đề xuất này có tính khả thi phù hợp với DN đang có nhu cầu đào tạo lại lao động”, bà Ngân nói.
Ông Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty may Nam Hà, bày tỏ: “Đào tạo và đào tạo lại là nhu cầu cấp thiết đối với DN, khi công nghệ thay đổi liên tục, việc khuyến khích NLĐ tiếp cận công nghệ mới để họ có thể vừa là lao động giỏi, biết nhiều việc”. Theo ông Dũng, với các điều kiện đưa ra, nếu chính sách được thông qua DN có thể đáp ứng được. Bộ LĐ-TB-XH cần có hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn như: làm phiếu gửi các DN tích vào, nếu đủ điều kiện làm hồ sơ thì làm mấy ngày được giải ngân…
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, chia sẻ: “Mọi sự hỗ trợ đối với DN và NLĐ đều rất đáng quý và đáng trân trọng. Tuy nhiên, vấn đề là vận hành và tiếp cận ra sao để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. DN có thể tận dụng được sự hỗ trợ này để giữ chân NLĐ”.
Về phía đại diện NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam ủng hộ đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH; đồng thời đề nghị Chính phủ cần có dự thảo nghị quyết và quyết định kèm theo, trong đó thiết kế rõ, cụ thể hóa định hướng này.

Cần đánh giá nhu cầu của DN

Trước những ý kiến băn khoăn về gói hỗ trợ có thể gây lãng phí thời gian và nguồn lực, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), đề nghị: “Để cho chính sách trở nên minh bạch và có hiệu quả, không bị lãng phí, cần có sự kiểm soát, có sự tham gia của công đoàn giám sát việc thực hiện xem DN đó có thực sự đào tạo hay không, hay thấy có khoản tiền thì lập danh sách đào tạo. Cần có thông tin minh bạch cho NLĐ biết NLĐ có nằm trong danh sách được đi học không, hay chỉ lấy tên cho có”.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng trước khi tổ chức đào tạo, những người làm chính sách cần có cuộc khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo của các DN, từng ngành nghề, từng địa phương.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, những DN dệt may, da giày, chế biến thủy sản là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, cần tập hợp họ lại nghe ý kiến, nguyện vọng của họ. “Quỹ BHTN có hạn nên phải đưa tiền đến đúng DN cần, nhưng các điều kiện đừng cản trở DN như gói 16.000 tỉ. Các nhà làm chính sách cần hỏi DN trước xem họ muốn thế nào và nên làm thí điểm vài DN để xem kết quả ra sao. Sau đó là nghe các nhà chuyên môn hoặc phía công đoàn, các hiệp hội và cuối cùng là bộ ngành, thì những tiêu chuẩn đặt ra mới trúng. Nếu có nhu cầu thực sự thì được nhận tiền, chứ đừng đưa ra các tiêu chuẩn để khiến DN thấy nản lòng”, ông Huân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.