Ngày 4.11, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây, ông Kim Sung Jae, Phó chủ tịch Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea), đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH về nội dung phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam.
Theo thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan, từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 126.977 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 10, Việt Nam đã phái cử được 9.582 lao động, dự kiến cả năm 2023 phấn đấu đạt mục tiêu trên 10.000 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Ông Hoan cho hay, đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Do đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đề nghị HRD Korea báo cáo Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tiếp nhận đối với lao động Việt Nam, tăng số lượng trúng tuyển trong các kỳ thi tiếng Hàn để tránh lãng phí, gây tốn kém cho người lao động, giảm chi phí tiếp cận Chương trình EPS.
"Trong kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2023, có 5.225 người lao động đăng ký tham gia trong ngành đóng tàu. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc phân bổ chỉ tiêu tiếp nhận là 1.149 người, nếu chỉ lấy số lượng người lao động đạt yêu cầu theo chỉ tiêu phân bổ thì tỷ lệ chỉ là 21,9%", ông Hoan nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị phía bạn thông báo sớm các kỳ thi tiếng Hàn để người lao động chủ động học tiếng, nâng cao hiệu quả, chất lượng (hiện nay, các kỳ thi tiếng Hàn chỉ được thông báo trước khoảng 2 tháng nên người lao động gặp khó khăn trong việc học tập tiếng Hàn); chuyển phòng thi tiếng Hàn từ TP.HCM về Cần Thơ để tạo thuận lợi hơn cho người lao động thuộc khu vực phía nam khi tham dự kỳ thi tiếng Hàn.
Xem xét thúc đẩy các chính sách hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động hồi hương để người lao động phát triển sự nghiệp, kinh tế gia đình của mình bền vững, góp phần giảm tỷ lệ ở lại cư trú bất hợp pháp khi hết hạn hợp đồng.
Chia sẻ thông tin tại buổi làm việc, ông Kim Sung Jae cho hay, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về số lượng lao động phái cử sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong tổng số 16 nước tham gia.
Liên quan đến đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, ông Kim Sung Jae cho biết sẽ báo cáo và tham mưu với cơ quan chức năng để tăng hạn ngạch theo Chương trình EPS cho Việt Nam; đồng thời nghiên cứu các yếu tố để bố trí thêm phòng thi tiếng Hàn tại khu vực Cần Thơ, cũng như thông báo sớm các kỳ thi tiếng Hàn.
Đại diện HRD Korea cũng đề xuất phía Việt Nam sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xin cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại Việt Nam, bởi nhiều người Hàn Quốc mong muốn được sang làm việc tại Việt Nam.
Hai bên cũng thống nhất sẽ thúc đẩy sớm việc ký kết phụ lục của Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik ký hồi tháng 6.
Bình luận (0)