Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết diễn đàn nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển các khu thương mại tự do với những chính sách đủ mạnh, khả thi với cơ chế thông thoáng, hấp dẫn để tạo động lực đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khu thương mại tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng và công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại. Mô hình khu thương mại tự do đã được nhiều quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE… áp dụng rất thành công, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài.
"Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại", ông Diên khẳng định.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế; việc nghiên cứu, đề xuất thành lập và phát triển mô hình các khu thương mại tự do thế hệ mới đang được thúc đẩy nhằm kịp thời góp phần đưa ngành logistics Việt Nam phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu, nâng cao năng lực nền kinh tế Việt Nam.
Cũng theo ông Thanh, trong những năm gần đây, được T.Ư quan tâm đầu tư nguồn lực, mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ và liên vùng đang được hoàn thiện. Cùng với việc phát triển cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện đại hóa cảng biển Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình "cảng xanh, logistics xanh" đã đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.
"Việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics vùng Đông Nam bộ. Đó là sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép. Hạ kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia để làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên hành lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải", ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh cho biết, thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kiên trì thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc với công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, không thâm dụng lao động, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả. Kinh tế của tỉnh luôn giữ vững đà tăng trưởng trong nhiều năm liền. Riêng năm 2024, ước GRDP Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng trên 10,52%, GRDP bình quân đầu người hơn 9.000 USD/người/năm. Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút đầu tư quy đổi khoảng 50 tỉ USD; trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 34 tỉ USD...
Bình luận (0)