Đề xuất hơn 870.000 tỉ đồng làm 6 tuyến metro tại TP.HCM

16/07/2024 04:13 GMT+7

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến metro, với tổng kinh phí hơn 870.000 tỉ đồng.

Ngày 15.7, tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM, UBND TP đã trình đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) tại TP.HCM theo Kết luận số 49 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nếu được HĐND TP thông qua, đề án này sẽ được trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Đề xuất hơn 870.000 tỉ đồng làm 6 tuyến metro tại TP.HCM- Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2024

NHẬT THỊNH

Huy động vốn làm metro chủ yếu từ nguồn lực trong nước

Theo đề án này, đến năm 2035, TP.HCM sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183 km với 6 tuyến metro. Đến năm 2045, TP.HCM xây dựng thêm hơn 168 km để hoàn thiện 7 tuyến metro, nâng tổng chiều dài metro lên khoảng 351 km. Đến năm 2060, dự kiến TP.HCM có 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510 km.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ cho 6 tuyến metro (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) giai đoạn từ nay đến năm 2035 là khoảng hơn 871.000 tỉ đồng (36,33 tỉ USD).

TP.HCM huy động nguồn lực trong dân để làm hệ thống metro

Về phương án huy động vốn, TP.HCM xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài, ngân sách giữ vai trò chủ đạo; ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, phát hành trái phiếu…

Ngoài đề án phát triển hệ thống metro, UBND TP.HCM cũng báo cáo hàng loạt tờ trình liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách.

Trong đó, UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông như dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức); mở rộng đường D3 (đoạn từ Phan Văn Trị đến Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp); nâng cấp tỉnh lộ 8 (đoạn từ cầu kênh N31A đến ngã tư Tân Quý, H.Củ Chi); nâng cấp, mở rộng đường Mạc Vân (Q.8). Ngoài ra, UBND TP.HCM trình để HĐND TP.HCM thông qua các dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư một số trường học như đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới Trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh); nâng cấp, cải tạo Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7).

Cử tri quan ngại hàng loạt vấn đề dân sinh

Tại kỳ họp này, ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cũng trình bày tổng hợp các ý kiến của cử tri. Theo đó, nửa đầu năm 2024, người dân TP đồng thuận với việc thực hiện sắp xếp khu phố, ấp; hoan nghênh đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố và phấn khởi trước nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển

KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, người dân quan ngại về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, tiến độ thực hiện một số công trình, dự án lớn, trọng điểm của TP kéo dài, gây lãng phí cơ hội, nguồn lực đất đai, nguồn vốn đã đầu tư.

Cử tri cũng quan tâm về việc số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động mất việc ngày một tăng. Trong khi đó, biến động giá cả thị trường, giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tăng đã tác động trực tiếp đến đời sống người lao động.

Ngoài ra là một số vấn đề dân sinh khác liên quan tình trạng ngập nước; ùn tắc giao thông; nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ; ngộ độc thực phẩm; thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.

Bầu 4 nhân sự HĐND, UBND TP.HCM

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu đã miễn nhiệm đại biểu HĐND TP đối với ông Lê Duy Minh, cựu Giám đốc Sở Tài chính và ông Đặng Minh Đạt, nguyên Chánh thanh tra TP.HCM. Đồng thời, bầu bổ sung Ủy viên UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính và ông Trần Văn Bảy, Chánh thanh tra TP.HCM.

Ông Nguyễn Hoàng Hải làm Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM vào đầu tháng 6.2024, thay cho ông Lê Duy Minh trước đó bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil hồi tháng 12.2023. Còn ông Trần Văn Bảy làm Chánh thanh tra TP.HCM thay thế ông Đặng Minh Đạt nghỉ hưu từ tháng 6.2024.

Các đại biểu HĐND cũng bầu bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM làm Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM; và bầu bà Phạm Thị Thanh Hương, Ủy viên chuyên trách Ban Đô thị làm Phó trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM.

Đề xuất hơn 870.000 tỉ đồng làm 6 tuyến metro tại TP.HCM- Ảnh 2.

Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng các nhân sự mới

LÊ TRỌNG

Đã ra sức đề xuất cơ chế thì bây giờ phải triển khai sớm

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao hoạt động của chính quyền TP trong 6 tháng đầu năm, cụ thể là qua một số kết quả nổi bật về KT-XH như GRDP tăng 6,64%, đóng góp 19,64% vào tăng trưởng chung cả nước; tổng thu ngân sách ước đạt 269.000 tỉ đồng, đạt trên 55%, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, hiện TP.HCM còn nhiều điểm chưa làm được, nhiều chỉ tiêu chưa đạt, còn thấp, có những chỉ tiêu bị tụt hậu, sụt giảm; nhiều vấn đề cần tháo gỡ thì chính quyền cũng chưa đi đến nơi đến chốn.

Đánh giá về khối lượng công việc rất lớn mà TP.HCM phải hoàn thành trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị kịp thời ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của T.Ư nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của TP. Đơn cử, sớm triển khai Nghị định 84/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước trên 8 lĩnh vực cho TP.HCM. Theo ông Nguyễn Văn Nên, TP.HCM đã ra sức đề xuất, kiến nghị, T.Ư đã đồng ý thì TP.HCM phải triển khai sớm, nhanh, cụ thể.

Ngoài ra, TP.HCM cần sớm triển khai các chính sách đất đai, nhất là khi luật Đất đai có hiệu lực; tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết hiệu quả những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quản lý và sử dụng đất trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.