Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn phát biểu tại nghị trường - Ảnh: Ngọc Thắng |
Góp ý về lời nói đầu của Hiến pháp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng những nội dung đưa vào Hiến pháp sửa đổi lần này cần phải có tầm nhìn xa, cụ thể là nên đưa vào lời nói đầu về diện tích của VN và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. “Như vậy sẽ khẳng định được vị trí, chủ quyền cũng như đất đai của chúng ta, gìn giữ những gì cha ông chúng ta để lại”, ông Tiên lý giải.
Xây dựng ngay quân đội chính quy hiện đại
|
Liên quan đến chủ quyền quốc gia, đại tá Đỗ Ngọc Niễn, Chỉ huy trưởng BCH quân sự tỉnh Bình Thuận tập trung góp ý nội dung xây dựng quân đội chính quy hiện đại được ghi tại điều 71, chương 4 về Bảo vệ Tổ quốc. Ông Niễn đề nghị bổ sung quy định về xây dựng quân đội chính quy hiện đại bỏ qua giai đoạn xây dựng “từng bước” như quy định trong dự thảo Hiến pháp, vì theo ông rất cần có một đội quân hiện đại, hùng hậu làm nòng cốt cho việc xây dựng tiềm lực quốc phòng quốc gia, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
“Hòa bình, ổn định hợp tác phát triển là xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, hiện nay ở không ít nơi vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định, tình hình diễn biến phức tạp khôn lường, nhất là vấn đề khủng bố, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và không loại trừ khả năng xảy ra xung đột vũ trang ở đâu đó, quy mô này hoặc quy mô khác”, ông Niễn nhận định và cho rằng tình hình trên đặt ra cho mỗi quốc gia cần phải có sự chuẩn bị cần thiết về nhiều mặt, trong đó có vấn đề chuẩn bị lực lượng vũ trang là điều không thể tránh khỏi và VN chúng ta cũng không ngoại lệ.
“Cả thế giới đều biết VN muốn làm bạn với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, là một nước, một đối tác tin cậy và có trách nhiệm, luôn luôn mong muốn hòa bình, ổn định và phát triển, bởi hơn ai hết chúng ta thấm thía nỗi đau chiến tranh, nỗi đau mất mát, nhưng không có nghĩa là chúng ta luôn kiên trì giải pháp hòa bình với bất kỳ điều kiện nào, trong tình huống nào, không có nghĩa là chúng ta không có quyền sở hữu một quân đội hiện đại, hùng mạnh”, ông Niễn bày tỏ.
Cần có quy định về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt
Trong số 86 ý kiến phát biểu tại hội trường cả hai ngày về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, hầu hết đều đề cập đến nội dung chính quyền địa phương với nhiều băn khoăn, lo lắng.
Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở một số địa phương đến nay vẫn chưa được tổng kết khiến ĐB thiếu thông tin khi đề xuất góp ý về nội dung chính quyền địa phương. Ông Hùng nêu đề nghị khẩn trương tổng kết cả về lý luận và thực tiễn việc thí điểm, kịp thời phục vụ cho kỳ họp thứ 6 của QH, “vì các đại biểu rất cần có đủ thông tin chính thức về những vấn đề trên trước khi tham gia ý kiến về vấn đề hệ trọng này”.
Đồng quan điểm, ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cũng cho rằng, “việc chưa tổng kết, đánh giá đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã thiếu đi một cơ sở quan trọng trong việc sửa đổi, bổ sung, quy định của Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương”. Còn theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, chương quy định về chính quyền địa phương trong dự thảo Hiến pháp cần đưa ra những nguyên tắc cơ bản của tổ chức chính quyền địa phương để làm cơ sở cho QH xây dựng luật tổ chức chính quyền địa phương và luật về khu hành chính kinh tế đặc biệt, bao gồm chức năng cơ bản, địa vị pháp lý, nguyên tắc tổ chức, mối quan hệ với các chủ thể khác. Đồng thời cần có quy định cụ thể, tách bạch về chính quyền đô thị và nông thôn. ĐB này cũng đề nghị QH nghiên cứu có quy định hợp lý về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, bởi do những quy định cứng hiện hành mà các đơn vị hành chính đang hoạt động trong một hành lang pháp lý bình quân và cào bằng như nhau khiến nhiều địa phương đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
Bà Nga cho rằng: “Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là thời điểm hợp lý nhất để chúng ta ghi nhận trong Hiến pháp về nguyên tắc có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Đồng thời cần mạnh dạn giao cho Chính phủ nghiên cứu mô hình, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để cho một số địa phương có điều kiện thuận lợi, có thể bứt phá, phát triển nhanh đi trước. Đương nhiên, do phải có những cơ chế khác biệt so với bình thường cả về hành chính và kinh tế, nên khi thực hiện chính thức phải được quy định bằng luật”.
Đảm bảo thực thi quyền con người, quyền công dân
Phát biểu tại phiên buổi chiều, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh đến việc Hiến pháp phải khẳng định những quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp phải được thực thi đầy đủ. Vị ĐB đã kinh qua 3 khóa QH này nhìn nhận Hiến pháp được sửa đổi lần này “chắc chắn sẽ vẫn ghi đủ những quyền ấy nhưng rất có thể nó lại tiếp tục “treo” trong thời gian tới”. “Bằng cứ là chương trình xây dựng luật pháp của QH khóa XIII trong thời gian tới, tức là ngay cả sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua, những nội dung các văn bản luật “treo” vẫn chưa nằm trong chương trình nghị sự. Đó là điều không thể kéo dài và về căn bản là vi hiến”, ông dẫn chứng và đề nghị ghi vào điều 3 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp về việc Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân... phải có thêm nội dung: “Mọi quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp phải được bảo đảm được thực thi đầy đủ trong thời gian sớm nhất”.
Liên quan đến quyền công dân, luật sư Trương Trọng Nghĩa, ĐB TP.HCM đề nghị điều 26 của dự thảo cần ghi đúng và đủ như trong các công ước quốc tế để thể hiện địa vị pháp lý các quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội… của công dân.
Bảo Cầm - Thái Sơn
>> Thảo luận tại Quốc hội: Cần hiến định tất cả quyền lực thuộc về dân
>> Hiến định việc Thủ tướng báo cáo công tác trước dân
>> Đề nghị hiến định Chủ tịch nước có quyền miễn nhiệm các thành viên Chính phủ
Bình luận (0)