Đề xuất lập cơ quan T.Ư chuyên định giá đất giúp 63 địa phương

03/11/2022 14:39 GMT+7

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng việc xác định giá đất là việc rất khó, sai lệch 1% đã đủ xử lý nên đề nghị lập thêm cơ quan ở T.Ư để định giá đất giúp 63 địa phương.

Sáng 3.11, thảo luận tại tổ về dự thảo luật Đất đai sửa đổi, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết vướng mắc lớn nhất ở địa phương là xác định giá đất. Do đó, luật Đất đai sửa đổi lần này cần tiến thêm một bước về phương pháp xác định giá đất.

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nêu ý kiến thảo luận tại tổ

gia hân

Ông dẫn chứng ở địa phương việc định giá các lô đất phục vụ cho các dự án trong mấy năm không xác định nổi giá đất là bao nhiêu. Do đó, nếu để cho UBND tỉnh quyết định mà không có giải pháp căn cơ thì khó thực hiện. "Tại sao việc định giá đất lại khó khăn như vậy?", ông Mạnh đặt câu hỏi và khẳng định vì giá trị đất quá lớn.

“Nếu thẩm định giá khu đất 10 héc ta, chỉ sai lệch 1% thôi đã gây thiệt hại tài sản và đủ bị xem xét theo quy định của bộ luật Hình sự rồi”, ông Mạnh nói và cho rằng nếu không nhìn thẳng vào bản chất của giá đất thì luật sẽ khó thực hiện.

Bí thư Cần Thơ phân tích thêm: Dự thảo luật Đất đai sửa đổi quy định giá đất phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường, song trong điều kiện bình thường giá đất đã luôn thay đổi.

Ông ví dụ như ở Cần Thơ, nếu đất bình thường thì giá 180.000 đồng/m2 là rất cao rồi. Nhưng chỉ cần có cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất kinh doanh thì giá đất đã tăng lên. Rồi nếu có nhà đầu tư ra dự án thì đất lại lên giá tiếp.

Thực tiễn nhà đầu tư hiện nay triển khai hình thức mua gom, mua từ khi chưa có gì, sau này có quy hoạch thì triển khai. “Vậy giá đất phù hợp với thị trường trong điều kiện bình thường ở đây là bao nhiêu? Rất khó để biết”, ông Mạnh nêu.

Từ đó, ông Mạnh cho rằng nếu không tính đến phương án triển khai thì thực hiện sẽ vô cùng khó.

“Thị trường ở đây không đơn thuần chỉ là thị trường. Hai mảnh đất khác nhau chỉ vì có đường vào hay không thì có thể chênh nhau giá trị đến 10 lần”, ông Mạnh nêu và đề nghị nên lập thêm một cơ quan ở T.Ư chuyên lo về vấn đề này để giúp 63 địa phương.

Xây dựng bảng giá đất hàng năm gây khó cho địa phương

Quan tâm về xây dựng bảng giá đất, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho rằng việc dự luật quy định bảng giá đất phải xây dựng định kỳ hàng năm, công khai từ ngày 1.1 ở địa phương là "không phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong quá trình triển khai ở địa phương".

Ông Cường lý giải, để thực hiện một bảng giá đất đòi hỏi rất nhiều thủ tục, từ lập hồ sơ dự án, đấu thầu, thuê tư vấn, qua các bước đến thẩm định giá rồi đến HĐND đánh giá, chuyển cho UBND ban hành. Nếu quy trình này "năm nào cũng thực hiện thì rất khó để làm và cũng không điều chỉnh kịp thời cùng với thị trường khi tính giá".

Đại biểu Đà Nẵng đề xuất việc xây dựng bảng giá đất nên làm theo chu kỳ 3 năm, hoặc 5 năm như trước kia. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, địa phương có thể để đưa ra biên độ điều chỉnh giá đất không quá 20%; thời hạn điều chỉnh có thể là 180 ngày. Ông cho rằng việc này phù hợp hơn đối với điều chỉnh ở cơ sở, tránh các lãng phí không cần thiết và áp lực cho các cơ quan quản lý ở địa phương.

"Nếu địa phương không công bố được bảng giá đất kịp vào ngày 1.1 thì sai mà nếu công bố nhưng không đáp ứng yêu cầu thì có thể dẫn đến tình trạng thất thoát nhất là khi giá đất của thị trường liên tục biến động", ông Cường nêu quan điểm.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng, việc xây dựng và công bố bảng giá đất vào 1.1 hàng năm vẫn theo cách cũ hiện nay và khó khả thi vì giá đất biến động giá liên tục.

Từ đó, ông đề nghị dự luật cần thiết kế một cơ chế, chẳng hạn hệ số co dãn, tỷ lệ nào đó… khi giá đất có biến động thì bảng giá đất phải điều nhằm phản ánh đúng giá trị thực của đất trên thị trường. Hoặc phải có một cơ quan thay mặt hội đồng thẩm định giá đất được trao thẩm quyền xử lý việc này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.